Theo quy định của Bộ Thương mại đưa ra khối lượng dầu cọ công ty được phép xuất khẩu phụ thuộc vào công suất lọc và nhu cầu trong nước họ.
- Indonesia đặt mục tiêu cấp phép xuất khẩu 1 triệu tấn dầu cọ.
- Chính phủ Indonesia thực hiện Nghĩa vụ Thị trường Nội địa để duy trì nguồn cung dầu ăn trong nước,
Ngày 30/5, quan chức cấp cao Bộ Thương mại Indonesia Veri Anggriono cho biết nước này đã nhận được một số yêu cầu cấp phép xuất khẩu dầu cọ, có khả năng sẽ được thông qua trong ngày.
Indonesia, nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới, đã cho phép nối lại hoạt động xuất khẩu dầu thực vật từ ngày 23/5 sau lệnh cấm xuất khẩu kéo dài 3 tuần nhằm kiểm soát giá dầu ăn trong nước, nhưng các công ty đang phải đối mặt với các rào cản pháp lý khiến quá trình xuất khẩu các lô hàng bị chậm lại.
Ông Veri cho biết: “Tính đến sáng ngày 30/5, đã có 5-6 công ty gửi yêu cầu được cấp phép xuất khẩu dầu cọ và hệ thống sẽ ngay lập tức xử lý. Chúng tôi hy vọng giấy phép có thể được cấp ngay hôm nay.”
Ông cho biết Indonesia đặt mục tiêu cấp phép xuất khẩu 1 triệu tấn dầu cọ dựa trên khối lượng bán nội địa của các công ty theo chương trình dầu ăn số lượng lớn của chính phủ, được đưa ra trước lệnh cấm xuất khẩu.
Để duy trì nguồn cung dầu ăn trong nước, Chính phủ Indonesia đã thực hiện cái gọi là Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO) đối với dầu cọ và yêu cầu các nhà xuất khẩu cung cấp dầu cọ cho chương trình phân phối dầu ăn số lượng lớn của Chính phủ.
Theo quy định của Bộ Thương mại đưa ra vào tuần trước, khối lượng dầu cọ các công ty được phép xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào công suất lọc dầu của họ và nhu cầu dầu ăn trong nước.
Ông Veri cho biết tỷ lệ phân bổ xuất khẩu và phân phối nội địa dẫn tới DMO vào khoảng 20%.
Eddy Martono, Tổng thư ký Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI), cho biết ông hy vọng việc xuất khẩu dầu cọ có thể sớm trở lại mức trước khi có lệnh cấm xuất khẩu là 2,5-3 triệu tấn mỗi tháng.
Vào tháng 4/2022, Indonesia đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn mà không xác định thời hạn với hy vọng kiểm soát giá dầu ăn trong nước đang tăng vọt.
Chính sách này đã gây sốc cho thị trường dầu thực vật toàn cầu, vốn đang chịu áp lực từ tình trạng thiếu hụt dầu hướng dương do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra./.
Theo Vietnamplus
Bài đọc thêm