Kết nối doanh nhân kiều bào, đưa nông sản Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu

Tối 14/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn trực tuyến kết nối doanh nhân kiều bào…

Tối 14/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn trực tuyến kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp. Đây là diễn đàn đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức để kết nối với kiều bào trên thế giới ngay sau Tết Nhâm Dần.

Bộ Ngoại giao đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong xuất khẩu nông sản sang các thị trường trọng điểm. Bộ sẽ tích cực cung cấp thông tin, tăng cường tuyên truyền để phổ biến và tận dụng các lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm đối với việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu, ông Diệp Văn Tỷ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, thị trường Bắc Âu tuy nhỏ nhưng có nhu cầu lượng hàng tương đối tốt. Hàng hóa sang khu vực này đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã, bao bì. Chẳng hạn sản phẩm mì phải phù hợp về các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm… của châu Âu.

Sản phẩm Việt còn qua nhiều khâu trung gian nên giá bán cao. Nhà đầu tư rất cần những thông tin cụ thể về từng vùng nguyên liệu, sản lượng, chất lượng… Ông Diệp Văn Tỷ cho hay.

Là doanh nghiệp có kinh nghiệm đưa nước mắm tiếp cận sàn giao dịch Amazon, cũng thành công trong việc đưa vải thiều sang châu Âu, xuất gạo ST25 sang Canada và Anh, ông Lê Bá Linh, Giám đốc Pacific Foods cho biết, đưa sản phẩm ra quốc tế, doanh nghiệp rất chú trọng phát triển chất lượng và coi đây là một vinh dự, niềm tự hào.

Theo ông Linh, để đưa nông sản Việt ra thế giới, doanh nghiệp cần biết nắm bắt cơ hội. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhà nước cần có cơ chế giảm thuế, phí với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Doanh nghiệp nên được tạo cơ chế phát hành trái phiếu để tạo nguồn vốn, sớm phục hồi sau đại dịch.

Có chính sách hỗ trợ cụ thể với doanh nghiệp xuất khẩu, chẳng hạn như doanh nghiệp phải xuất qua một đơn vị khác vì không đủ tiêu chí xuất khẩu. Trong xu hướng hội nhập kinh tế, Việt Nam hưởng lợi từ các FTA thế hệ mới. Nhưng cùng với đó, hàng rào kỹ thuật sẽ được nâng lên. Vì thế, ông Linh đề nghị các bên có một giải pháp tổng thể, kịp thời, cập nhật các xu hướng kinh tế mới để các doanh nghiệp trong đó có Pacific Foods phát triển hơn nữa trong tương lai.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn kiều bào tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, kiều bào giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo Chương trình quốc gia xã một sản phẩm. Đây là sản phẩm có tiềm năng to lớn là đặc sản vùng miền, là kết tinh văn hóa và tinh thần của các miền quê. Những ý kiến đóng góp của kiều bào sẽ cùng chung tay đưa ra hành động thiết thực để hướng tới mục tiêu: Nông nghiệp sinh thái – Nông thôn hiện đại – Nông dân thông minh.

Theo vasep.com.vn

Bài đọc thêm:

  1. Việt Nam tưng bừng xuất khẩu các mặt hàng nông sản đầu năm
  2. Năm 2021, Hàn Quốc tăng mạnh nhập khẩu mực chế biến từ Việt Nam

Popular Posts

Back To Top