Du khách đến Thái Lan được khuyến cáo nên “cân nhắc rủi ro” trước các món đồ ăn uống chứa cần sa sau chính sách mới đây của nước này…
Thái Lan là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa cần sa, loại bỏ nó khỏi danh sách chất ma túy Nhóm 5 vào ngày 9/6.
Trong bối cảnh xu hướng sử dụng cần sa ngày càng tăng, các nhà khai thác du lịch đang tìm cách nhập nhèm để thu lợi từ việc khử danh nghĩa của cây này, chẳng hạn như quảng bá nó để sử dụng trong y tế.
Người đứng đầu ngành Du lịch Thái Lan (TAT) Yuthasak Supasorn cho biết, cơ quan của ông không có kế hoạch thúc đẩy du lịch cần sa vào lúc này, vì việc hợp pháp hóa diễn ra gần cuối năm tài chính, tức là ngày 30 tháng 9.
Hiện TAT đang chờ Bộ Y tế làm rõ thêm về chính sách và truyền thông để mọi người hiểu rõ về các yếu tố sức khỏe và y tế.
Mặc dù đã được cho phép ở Thái Lan, nhưng cần sa vẫn là bất hợp pháp ở hầu hết các quốc gia châu Á, với các hình phạt từ hành chính, trục xuất và cấm đi lại cho đến tù chung thân hoặc thậm chí là tử hình.
Sisdivachr Cheewarattanaporn, Chủ tịch Hiệp hội các đại lý du lịch Thái Lan cho biết, khách du lịch phải cân nhắc rủi ro khi tiêu thụ, mua sắm thực phẩm và đồ uống có chứa cần sa nếu loại cây này được coi là ma tuý ở quê nhà.
Thông tin trên được loan truyền sau khi có tin cần sa được bán mà không có giấy phép trên phố du lịch Khao San, làm dấy lên những lo ngại về sức khỏe và an toàn của du khách, điều này có thể tạo ra hình ảnh xấu cho du lịch Thái Lan.
Trong nhiều tuần qua, nhiều đại sứ quán ở Thái Lan bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản đã cảnh báo công dân nước họ đi du lịch đến Thái Lan không nên mua cần sa hoặc các sản phẩm làm từ cần sa về nước.
Ông Sisdivachr cho biết, du khách Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những hình phạt khắc nghiệt nếu họ bị phát hiện có cần sa hoặc gai dầu trong hành lý, trong khi các công ty lữ hành sẽ bị thu hồi giấy phép vì các hoạt động liên quan.
“Chính phủ phải xem xét kỹ lưỡng những ưu và khuyết điểm cũng như phản ứng của các quốc gia khác đối với vấn đề này trước khi áp đặt thêm các quy định liên quan đến cần sa để thực sự mang lại lợi ích cho du lịch và nền kinh tế”, ông Sisdivachr nói.
Bill Barnett, giám đốc điều hành của C9 Hotelworks, một công ty tư vấn khách sạn có trụ sở tại Phuket cho biết, cần phải rõ ràng hơn về các hướng dẫn để truyền thông một cách rõ ràng. “Thái Lan luôn là nước đi đầu trong sáng tạo, dựa trên sự thành công của mô hình Phuket. Từ quan điểm kinh tế, cần sa được coi là một động lực tuyệt vời cho du lịch, thu thuế và tạo việc làm”, ông Barnett cho hay.
Đồng quan điểm, Chantana Limsuwan, chủ tịch Hiệp hội Du lịch và Khách sạn Koh Phangan cho biết, việc hợp pháp hóa cần sa cần phải có những hướng dẫn cụ thể để đảm bảo an toàn cho mọi người, giống như mô hình các quán cà phê “hợp pháp” ở Amsterdam.
“Ngoài các cửa hàng, chính quyền địa phương và các nhà điều hành du lịch nên có một cuộc thảo luận chung về kế hoạch cho phép sử dụng cần sa giải trí trong các sự kiện du lịch”, bà Chantana nói.
Ong-ard Panyachatiraksa, cố vấn của Doanh nghiệp Cộng đồng Hữu cơ Pethlanna ở Lampang cho biết, sau khi chính phủ Thái Lan cho phép trồng cần sa tại nhà, nguồn cung đã tăng lên nhanh chóng.
Ông Ong-ard cho biết, doanh nghiệp cộng đồng đang nỗ lực phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng như gia vị, bột canh và trà, nhưng cách hiệu quả nhất để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp cần sa là mở rộng sang các hoạt động giải trí.
Theo vị này, mô hình trồng cần sa giải trí, sử dụng trong ngành du lịch để tạo thêm doanh thu cho nông dân, sẽ giúp hỗ trợ nguồn cung cấp cần sa từ các doanh nghiệp cộng đồng và trang trại trồng cần trên toàn quốc.
Theo Báo NNVN
Bài đọc thêm: