Khai thác tiềm năng của thị trường Bắc Âu, cơ hội nào cho SMEs Việt?

Liệu doanh nghiệp SMEs Việt đã tận dụng tốt cơ hội đến từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) tại thị trường Bắc Âu?

Báo Công Thương—Theo thông tin chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu, để các doanh nghiệp SMEs của Việt Nam khai thác tốt nhất thị trường Bắc Âu, ngoài các qui định khắt khe về tiêu chuẩn, an toàn sản phẩm là những điều kiện tối thiểu, yêu cầu của người mua cũng cần phải được thảo luận và tuân thủ.

Người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng quan tâm đến điều kiện sản xuất và nông trại, cả vấn đề môi trường và xã hội. Họ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề hủy hoại môi trường do phương pháp thâm canh sử dụng nhiều hóa chất nông nghiệp và thuốc trừ sâu” – bà Thuý chia sẻ. Đồng thời cho biết, các nước này đồng thời quan tâm đến điều kiện lao động và vấn đề cạnh tranh của các nhà sản xuất nhỏ. Vì những lý do này, nhu cầu về sản phẩm hữu cơ và thương mại công bằng ngày càng tăng. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu thích nhập khẩu hàng hóa từ các công ty có chứng chỉ CRS (Corporate Social Responsibility – trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) và áp dụng các bộ qui tắc về ứng xử (Code of Conduct).

Nhiều người tiêu dùng thậm chí sẵn sàng trả giá cao hơn giá thông thường khoảng 20-50% để đảm bảo rằng các sản phẩm họ tiêu thụ là các sản phẩm thân thiện với môi trường và xã hội. Đôi khi, người tiêu dùng ở Bắc Âu quan tâm đến các chứng chỉ được in trên bao bì sản phẩm còn hơn chính sản phẩm.

Thị trường ngách – cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ngoài các mặt hàng truyền thống còn tiềm năng có thể khai thác, bà Thuý khuyến cáo, thị trường ngách cũng là một thị trường đầy cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo đó, doanh nghiệp có thể tập trung vào các sản phẩm hữu cơ. Nguyên nhân là bởi người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Thị phần thực phẩm hữu cơ của Đan Mạch chiếm 12% trong thị trường thực phẩm, trong khi Thụy Điển là 9%, Phần Lan 3%. Theo dự báo, đến năm 2030, lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ ở các nước Bắc Âu sẽ tăng gấp 2 đến 3 lần hiện tại.

Các nước Bắc Âu cũng có xu hướng giảm các sản phẩm sử dụng bao bì nhựa, thay thế bằng bao bì thân thiện với môi trường. Việc phát triển các giải pháp đóng gói kháng khuẩn cho thực phẩm dễ hỏng dựa trên vật liệu nano tự nhiên, kết hợp việc sử dụng bao bì bền vững và giảm chất thải thực phẩm sẽ thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Về gạo, gạo Japonica ngày càng được nhập khẩu nhiều vào các nước Bắc Âu. Nếu gạo sushi Nhật Bản được dùng trong các nhà hàng cao cấp và phục vụ ăn tối, thì các loại gạo Japonica nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Ý, và Việt Nam được dùng cho các nhà hàng ăn nhanh, phục vụ ăn trưa với giá rẻ. Giá gạo Việt Nam rẻ và thêm hưởng lợi từ thuế trong thời gian tới sẽ rất hấp dẫn các nhà nhập khẩu.

Bên cạnh gạo, cà phê cũng là mặt hàng tiềm năng để xuất khẩu vào thị trường này. Người dân Bắc Âu uống cà phê nhiều nhất thế giới. Phân khúc cà phê cao cấp phát triển mạnh tại Bắc Âu do mức thu nhập cao cũng như văn hóa cà phê phát triển mạnh hơn các nước khác. Theo EVFTA, 39 sản phẩm của Việt Nam được EU công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong đó có cà phê Buôn Mê Thuột. Ngoài việc phát triển thị trường cà phê truyền thống, doanh nghiệp có thể cân nhắc phát triển thương hiệu cà phê đặc sản. Ngoài cà phê đặc sản, các sản phẩm đặc sản và mới lạ cũng được ưa chuộng. Phát triển thị trường các sản phẩm đặc sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng là một ý tưởng cần được cân nhắc.

Ngoài ra, các nước châu Âu tiêu thụ mật ong nhiều nhất thế giới, chiếm hơn 20% tổng tiêu thụ toàn cầu. Sản xuất mật ong nội địa ngày càng thu hẹp nên nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng. Hiện nay, Việt Nam sản xuất và xuất khẩu chủ yếu là mật ong đa hoa nhưng nhu cầu mật ong đơn hoa ngày càng phổ biến tại thị trường Bắc Âu. Đây là một thị trường ngách mà doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác.

Theo Báo Công Thương

Popular Posts

Back To Top