Từ ngày 1/1/2022, một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất là những quy định liên quan đến Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Lệnh 249 là một văn bản mang tính “cả gói” và sẽ thay thế một loạt các “lệnh” được ban hành trước đó liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu vốn ít nhiều quen thuộc với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu thực phẩm lớn thứ sáu trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, lệnh 249 là một ví dụ điển hình trong việc nỗ lực nhằm giám sát tốt hơn lượng lớn thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc, đồng thời đặt trách nhiệm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm lên vai nhà sản xuất, thay vì cơ quan quản lý của nước này.
Được biết Trung Quốc đã cố gắng áp dụng các quy định kiểm soát thực phẩm nhập khẩu này từ nhiều năm qua, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước. Tháng 9/2017, EU đã khiếu nại quyết định này lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Kết quả là Trung Quốc đã dời ngày thực hiện các quy định mới từ 1/10/2017 đến 30/9/2019. Hạn chót lại dời một lần nữa đến đầu năm 2022. Tuy nhiên, các quy định lại càng thêm phiền phức khi kèm theo các điều kiện mới của chính sách “zero Covid” của Trung Quốc.
Có gì đáng chú ý trong văn bản pháp luật mang số hiệu 249 này của phía bạn?
Theo đó Lệnh 249 yêu cầu cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm với thực phẩm doanh nghiệp sản xuất; thay đổi yêu cầu về ghi nhãn; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm sử dụng nguyên liệu mới; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia.
Tuy nhiên, mặt trái của việc này đó là nếu trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này gặp vấn đề thì cơ quan chức năng của Trung Quốc sẽ điều tra và phỏng vấn trực tiếp doanh nghiệp đó và ở đây sự hiểu biết của doanh nghiệp sẽ quyết định chính tương lại cho những chuyến hàng tiếp theo của doanh nghiệp.Một trong những điểm đáng chú ý là lần đầu tiên chính thức chấp nhận phương án đánh giá trực tuyến. Điều này có nghĩa là sẽ tạo thuận lợi cho các Bộ ngành do không phải sang Trung Quốc để đàm phán cũng như không phải đón các đoàn chuyên gia Trung Quốc vào Việt Nam tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp trong nước trước khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Cũng theo tinh thần của các điều khoản trong Lệnh 249, doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã sang Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp cần lưu ý lựa chọn những đối tác bảo đảm, tin cậy nhằm giúp việc lưu trữ hồ sơ (tối thiểu 6 tháng), bên cạnh các yếu tố như kho bãi, vận chuyển.
Một yếu tố nữa mà các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý là các vấn đề về vệ sinh khi chế biến, đóng gói thực phẩm, có quy định rõ ràng với kho, nhà xưởng, chọn các nhà cung cấp nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, có thể truy xuất được nguồn gốc.
Cho dẫu có những đánh giá khác nhau về mức độ ảnh hưởng của Lệnh 249 với xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, rõ ràng là với Lệnh 249, câu chuyện về một thị trường dễ tính đang dần lùi vào quá khứ.
Điều cần nói ở đây là thị trường Trung Quốc trong vai trò là một thị trường lớn, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm duy trì.
Theo các chuyên gia, Lệnh 249 với những nội dung dẫu được thiết kế tiệm cận với quy định của các nước phát triển song bản chất vẫn chỉ mang tính hành chính. Những quy định này chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (xuất khẩu tiểu ngạch). Còn những doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức chính ngạch thì dễ đáp ứng các điều kiện mới này của Trung Quốc hơn, bởi vì về cơ bản thì cũng chỉ là đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong bối cảnh câu chuyện xuất nhập khẩu tiểu ngạch cùng nỗi ám đoàn xe ảnh ùn tắc nông sản nơi các cửa khẩu biên giới trong khi lệnh 249 đặt ra nhiều yêu cầu với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vì chưa được hướng dẫn đầy đủ, các cơ quan của Bộ Công Thương hiện vẫn đang nỗ lực đàm phán để giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng như mục tiêu xã hơn là tạo tính bền vững trong xuất khẩu.
Vấn đề sâu xa ở đây là doanh nghiệp Việt Nam phải có giải pháp căn cơ, thích ứng với mọi biến đổi bằng cách chuẩn hóa nguồn nguyên liệu, kiểm soát, nâng cao năng lực chế biến, chú tâm đến cả khâu thu hoạch, vận chuyển, đóng gói, bao bì. Đây cũng chính là những bước đi đầu tiên nhưng hết sức cần thiết trong việc tạo dựng thói quen chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch, như mục tiêu của Đề án xuất khẩu qua biên giới theo chính ngạch và Chiến lược xuất nhập khẩu đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ để phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Câu chuyện xuất khẩu chính ngạch nói chung và xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc nói riêng trong năm 2022 này ít nhất vẫn phải đối mặt với diễn tiến của dịch bệnh Covid-19 cùng việc Trung Quốc vẫn cho thấy họ vẫn kiên định chính sách “zero Covid”.
Bởi vậy, để dần hiện thực hoá lộ trình chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, một trong những việc cần thực hiện ngay là áp dụng nghiêm túc phương châm “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn”.
Theo đó, các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài cần tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu. Các địa phương biên giới cũng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát để bảo đảm quy trình an toàn hàng hóa, phương tiện được thực hiện một cách chính xác và nghiêm túc.
Theo Báo Công Thương
Bài đọc thêm: