Liên Hợp Quốc tìm cách đưa ngũ cốc Ukraine trở lại thị trường

Liên Hợp Quốc đang nỗ lực tìm cách đưa nguồn cung ngũ cốc của Ukraine trở lại thị trường thế giới trong bối cảnh sự thiếu hụt lương thực.

  • Ngũ cốc của Ukraine không thể tiêu thụ bởi ảnh hưởng của cuộc xung đột với láng giềng Nga.
  • Không chỉ ngũ cốc, lương thực và phân bón Nga cũng cần phân phối tới thị trường một cách an toàn

22 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine đang mắc kẹt trong các kho chứa và không thể bán ra thị trường vì cuộc xung đột Nga – Ukraine. Theo tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, nếu giải phóng được số ngũ cốc tồn kho sẽ giảm đáng kể áp lực lên thị trường lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, để làm được điều này cần sự phối hợp của tất cả các bên trong cuộc xung đột.

Các cuộc đối thoại đang được tiến hành, một trong những nội dung chính là các bên dỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận lẫn nhau và hợp tác về an ninh để đảm bảo nguồn cung lúa mỳ, phân bón và các mặt hàng thiết yếu khác của Ukraine và Nga có thể tiếp cận thị trường toàn cầu.

Ông Antonio Guterres – Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho hay: “Chúng tôi cần đảm bảo sự an ninh cho việc xuất khẩu ngũ cốc thông qua các cảng biển của Ukraine. Lương thực và phân bón của Nga cũng cần được tiếp cận với thị trường thế giới mà không chịu bất cứ giới hạn nào. Chúng tôi đang tích cực thảo luận với Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một vài nước có vai trò quan trọng khác. Tôi hi vọng sẽ đạt được một giải pháp dù vẫn còn một chặng đường dài trước mắt”.

Chiến sự đã ngăn cản Ukraine tiếp cận các hải cảng quan trọng ở biển Đen, buộc nước này xuất khẩu lúa mỳ nhỏ giọt thông qua các tuyến đường sông và tàu hỏa. Trong khi đó, việc xuất khẩu của Nga cũng bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt, đồng thời chính phủ Nga đã chủ động hạn chế giao dịch với các nước không thân thiện.

Trước xung đột, hai nước Nga và Ukraine cung cấp đến 1/3 tổng nguồn lúa mỳ cho thị tường toàn cầu. Sự sụt giảm lúa mỳ đột ngột đã dẫn đến cú sốc nguồn cung. Giá lúa mỳ đầu tuần này đã chạm ngưỡng 453 USD/một tấn, cao nhất từ trước đến nay.

“Sự thiếu hụt ngũ cốc đe dọa đẩy hàng triệu người vào tình trạng thiếu an ninh lương thực – điều sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, nạn đói và khủng hoảng có thể kéo dài trong nhiều năm”, ông Antonio Guterres nói.

Liên Hợp Quốc cho biết có tới 36 quốc gia trên thế giới đang phụ thuộc tới hơn một nửa nguồn cung cấp lúa mỳ từ Nga và Ukraine, trong đó bao gồm các nước nghèo nhất thế giới.

Theo VTV

Bài đọc thêm

  1. Nga thiếu hụt nguồn cung cho thị trường thủy sản do các lệnh cấm
  2. Phân khúc hàng chế biến tiếp tục phát triển trong ngành sản xuất cá ở Nga
  3. Nga sẽ chuyển hướng cơ cấu xuất khẩu năng lượng

Popular Posts

Back To Top