Theo quy định, linh kiện nhập được xác định là thiết bị chuyên dùng phục vụ cho nông nghiệp thuộc nhóm đối tượng không phải chịu thuế GTGT…
Theo Tổng cục Hải quan, tại điểm 2 công văn số 12848/BTC-CST ngày 15/9/2015 của Bộ Tài chính về thuế GTGT đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp hướng dẫn: Đối với linh kiện đồng bộ nhập khẩu để lắp ráp máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thì việc phân loại linh kiện nhập khẩu đồng bộ để lắp ráp máy, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được căn cứ vào Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 103/2015/TT-BTC ngày 1/7/2015 của Bộ Tài chính. Chú giải chi tiết HS, Chú giải bổ sung AHTN, các quy tắc phân loại hàng hóa và Thông tư 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo quy tắc 2a tại phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 103/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính thì: Một mặt hàng được phân loại vào một nhóm hàng thì mặt hàng đó ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện cũng thuộc nhóm đó, nếu đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa đó khi đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện. Cũng phân loại như vậy đối với hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện (hoặc được phân loại vào dạng hàng hóa đã hoàn chinh hay hoàn thiện theo nội dung Quy tắc này), nhưng chưa lắp ráp hoặc tháo rời.
Với hướng dẫn trên, trường hợp linh kiện nhập khẩu được xác định là linh kiện đồng bộ để lắp ráp máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và được áp cùng một mã HS với máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thì thuộc đối tượng không phải chịu thuế GTGT.
Nêu ví dụ cụ thể như: linh kiện đồng bộ nhập khẩu để lắp ráp máy gặt đập liên hợp có mã HS 84335100 gồm các bộ phận chính sau khung gầm, động cơ: bộ phận truyền động; buồng đập lúa; bộ phận thu gom lúa: bộ phận điều khiển; guồng gặt lúa; bánh xích lăn bằng cao su, các nắp đậy thân máy, mái che, ghế điều khiển, hộp dụng cụ theo máy. Tất cả các linh kiện này được dùng để lắp ráp thành máy gặt đập liên hợp hoàn chỉnh để gặt lúa và đập lúa. Các linh kiện đồng bộ này được thiết kế riêng chỉ lắp ráp máy gặt đập liên hợp sử dụng trong nông nghiệp và không thể sử dụng cho mục đích khác, nên thuộc đối tượng không phải chịu thuế GTGT.
Hay như linh kiện đồng bộ nhập khẩu để lắp ráp máy xới có mã HS 84322900 gồm các bộ phận chính như sau: Trục quay dàn xới, tay nâng, thanh đỡ, nắp đậy trục quay, chốt gài, tấm che hai bên, giá đỡ, lưỡi xới đất. Tất cả các linh kiện này được dùng để lắp ráp thành dàn xới đất chỉ chuyên dùng cho nông nghiệp để làm đất và các linh kiện này được thiết kế riêng chỉ lắp ráp dàn xới và không thể sử dụng cho mục đích khác, nên thuộc đối tượng không phải chịu thuế GTGT
Tuy nhiên, đối với linh kiện, thiết bị nhập khẩu để lắp ráp bình phun thuốc trừ sâu (bao gồm thiết bị phun thuốc trừ sâu, củ hút, cần, bộ pittông, đầu bát sen, đầu ra thuốc sâu, tẩu, tay nắm, lá gió, tay đẩy, khóa, van khóa, quai đeo), nếu theo quy tắc 2a tại phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 103 2015/TT BTC không phải là linh kiện, thiết bị đồng bộ với bình phun thuốc trừ sâu nên không được áp mã HS giống với bình phun thuốc trừ sâu, thì linh kiện, thiết bị nhập khẩu này không thuộc đối tượng không phải chịu thuế GTGT.
Tổng cục Hải quan cho rằng, hiện có nhiều doanh nghiệp thắc mắc hoặc đề nghị hướng dẫn liên quan đến vấn đề này cần lưu ý. Theo đó, đối với trường hợp linh kiện nhập khẩu của công ty đủ cơ sở để xác định là linh kiện đồng bộ được thiết kế riêng chỉ để lắp ráp máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và được áp cùng một mã HS với máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo quy tắc nêu tại công văn số 12848 BTC-CST của Bộ Tài chính thì linh kiện đồng bộ này thuộc đối tượng không phải chịu thuế GTGT.
Tổng cục Hải quan đề nghị các doanh nghiệp đang có những vướng mắc này căn cứ hồ sơ thực tế hàng hóa nhập khẩu, làm việc trực tiếp với chi cục hải quan cửa khẩu nơi mở tờ khai để thực hiện việc xác định mã số, tính đồng bộ, chuyên dùng trong nông nghiệp theo quy định.
Theo Hải quan Online