Lo chặn lợn vượt biên vì Trung Quốc chi hơn 17 tỷ USD nhập khẩu

Để hạ giá lợn xuất, các trang trại phải tìm nguồn thức ăn sẵn, rẻ và kiểm soát dịch tả. Cơ quan chức năng cũng phải kiểm soát lợn vượt biên…

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2022 dự báo đạt mức 110,7 triệu tấn, hầu như không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4/2022.

USDA dự báo Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu thịt lợn hàng đầu thế giới, chiếm 20% trong tổng lượng xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, xuất khẩu thịt lợn toàn cầu năm 2022 được điều chỉnh giảm gần 10% so với năm 2021, xuống còn 10,6 triệu tấn, chủ yếu do việc giảm nhập khẩu của Trung Quốc bởi nguồn cung trong nước được cải thiện.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, nguồn cung lợn hơi trong các tháng cuối năm 2022 được đảm bảo và giá cả sẽ không tăng mạnh. Giá lợn tại Trung Quốc liên tục giảm trong mấy tuần gần đây, nhưng cơ quan chức năng Trung Quốc vẫn đang cân nhắc xả kho dự trữ thịt lợn để hạ tiếp giá thịt lợn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng 7/2022, Trung Quốc nhập khẩu 642,74 nghìn tấn thịt (bao gồm cả nội tạng), trị giá 3,06 tỷ USD, giảm 24,7% về lượng nhưng tăng 3,4% về trị giá so với tháng 7/2021. Lũy kế 7 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 4,1 triệu tấn thịt, trị giá 17,03 tỷ USD, giảm 30,9% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Về phía xuất khẩu của Việt Nam, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy: trong 6 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 8,59 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 34,69 triệu USD, giảm 9,4% về lượng và giảm 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 5,13 nghìn tấn, trị giá 22,64 triệu USD, tăng 127,2% về lượng và tăng 26,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 25 thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) nhiều nhất, chiếm 51,1% tổng trị giá xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước. Trung Quốc chiếm 5,6% tổng trị giá xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam.

Tại thị trường nội địa, tháng 7/2022 chứng kiến đà tăng giá thẳng đứng của mặt hàng thịt lợn. Tại nhiều địa phương, giá lợn hơi chạm mốc 75.000 đồng/kg vào trung tuần tháng 7 sau đó bắt đầu giảm.

Từ đầu tháng 8/2022 đến nay, giá lợn hơi tại các tỉnh trên cả nước không có nhiều biến động, giá giảm so với cuối tháng trước. Hiện, giá lợn hơi trên toàn quốc dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022. Giá giảm do nhu cầu trên thị trường yếu, các trường học vẫn chưa bước vào năm học mới và Chính phủ yêu cầu bình ổn giá thịt lợn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh đẩy giá thành sản xuất lên cao; cùng với đó là tình trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương dẫn đến tình trạng giá lợn hơi tăng mạnh. Ngoài ra, giá thịt lợn tại Trung Quốc biến động lớn, ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thịt lợn tại Việt Nam.

“Dù đã siết chặt nhưng việc giết mổ rồi chặt mảnh thịt lợn để tiện cho việc chở sang Trung Quốc vẫn xảy ra. Điều này cũng ảnh hưởng tới nguồn cung thịt lợn trong nước những ngày qua”, ông Phùng Đức Tiến nói.

Trước đó, báo cáo của các cơ quan chuyên môn thú y nêu rõ, do sự chênh lệch về giá cả lợn và sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng, dẫn đến hiện tượng buôn bán, vận chuyện trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước có chiều hướng gia tăng.

Bởi vậy, Bộ NN&PTNT đã phải chỉ đạo ngăn chặn gấp, chấm dứt ngay vấn đề này nhằm ổn định giá thịt lợn tại thị trường trong nước.

Thời gian tới, dự báo giá lợn hơi sẽ dao động quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg. Vào cuối năm, giá lợn hơi có thể sẽ tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng, hơn nữa giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao khiến chi phí chăn nuôi tăng.

“Giá lợn hơi ở mức 68.000-70.000 đồng là mức giá chấp nhận được, không quá thấp cũng không quá cao, hài hòa đối với người tiêu dùng và đảm bảo người chăn nuôi có lãi”, ông Phùng Đức Tiến đánh giá.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian tới để hạ giá thành chăn nuôi, các trang trại phải tìm nguồn thức ăn sẵn có trong nước, chí phí thấp hơn, kiểm soát phòng chống dịch tả lợn châu Phi tốt. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang các nước láng giềng, tăng nguồn thịt nhập khẩu chất lượng.

Theo Hải quan Online

 

Bài đọc thêm:

  1. Kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu thuốc lá thế hệ mới
  2. 3.500 doanh nghiệp có nguy bị ngưng nhập khẩu hàng hóa vào UK
  3. Kiến nghị quản lý chặt chẽ đối với hạt thuốc phiện nhập khẩu
  4. Sẽ còn nhiều nông sản của Việt Nam gặp nguy cơ mất đi nhãn hiệu
  5. Hưng Yên: Nhãn sắp thu hoạch bị ngập úng khiến dân phải lo lắng
  6. Mega A Logistics mở tuyến hàng hải Việt Nam-Nga trong tháng 8

Popular Posts

Back To Top