Lưu ý nguồn cung nitro lỏng để xuất sầu riêng sang Trung Quốc

Theo Nghị định thư, sầu riêng Việt cần tính đến trường hợp thiếu nguồn cung nitro lỏng để cấp đông, khi nhu cầu sẽ tăng cao thời gian tới…

Sáng ngày 22/7, Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp đã được diễn ra. Phát biểu tại phiên tư vấn, Tổng thư ký hiệp hội rau quả Việt Nam ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, trong năm 2021 diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam đạt mức 84,8 ha với sản lượng khoảng 700.000 tấn, tăng 15% so với năm 2020. Vùng trồng tập trung chủ yếu ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Gia Lai, Bình Phước, Lâm Đồng và Đăk Lăk.

Hiện tại trái sầu riêng của Việt Nam đã được xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… tuy nhiên phần lớn là xuất sang Trung Quốc.

Về thị trường Trung Quốc, đây được đánh giá là thị trường có sức tiêu thụ trái cây rất lớn, trong đó có sầu riêng. Theo tham tán thương mại Việt Nam ông Nông Đức Lai, lượng tiêu thụ trái cây trung bình của Trung Quốc là 270 triệu tấn trái cây/năm, tiêu thụ bình quân đầu người đạt 56,3 kg/năm. Với trái sầu riêng, năm 2014 Trung Quốc mới chỉ nhập khẩu khoảng 300.000 tấn, đến năm 2021 con số này đã lên tới 800.000 tấn, kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD.

Hiện một số địa phương của Trung Quốc đã trồng loại trái cây này nhưng sản lượng không nhiều cho nên sản lượng tiêu thụ vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Trung Quốc hiện mới chỉ nhập khẩu sầu riêng từ Malaysia (đông lạnh), Thái Lan (tươi, đông lạnh) và mới đây là Việt Nam từ ngày 11/7.

Việt Nam hàng năm xuất khẩu lượng lớn trái sầu riêng theo con đường tiểu ngạch sang. Tuy nhiên, kể từ ngày 11/7, với việc ra đời của nghị định thư xuất khẩu trái sầu riêng, Việt Nam chính thức được xuất khẩu loại trái cây này vào Trung Quốc theo đường chính ngạch và có thể xuất khẩu mặt hàng tươi.

Nghị định thư và cơ hội cho trái sầu riêng tại thị trường tỷ dân

Nghị định thư được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Bộ NN&PTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Theo đó, sầu riêng sẽ được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc thông qua tất cả cửa khẩu liên kết với quốc gia này.

Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 11/7/2022 và có hiệu lực trong vòng 3 năm. Bắt đầu từ ngày 12/7/2022 Trung Quốc sẽ chính thức thông quan nhập khẩu chính ngạch đối với trái sầu riêng của Việt Nam. Như vậy, sầu riêng là trái cây thứ 11 được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Theo Nghị định thư, Trung Quốc yêu cầu tất cả các vùng trồng phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT Việt Nam và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu có thể truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, tất cả vùng trồng phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP)… Tất cả vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật dịch hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho GACC khi có yêu cầu.

Trước khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phải gửi cho GACC danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ cập nhật thường xuyên. Danh sách này sẽ được đăng trên website của GACC.

Khi sầu riêng tới cửa khẩu Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch. Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Trong trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn của phía Trung Quốc, lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu hoặc tiêu hủy.

Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc?

Ngoài các yêu cầu về vùng trồng, mã số, ông Nguyên cho rằng các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến nguồn cung nitơ lỏng (phục vụ cho việc cấp đông sầu riêng). Theo ông, sầu riêng là trái có mùi nặng, do vậy cần cấp đông để có thể bày bán tại siêu thị (cấp đông sẽ giảm mùi).

Trước đây, Việt Nam không phải lo về nguồn cung nito lỏng do xuất khẩu theo dạng cấp đông chưa nhiều. Tuy nhiên, khi nghị định thư có hiệu lực, dự báo sản lượng xuất khẩu sẽ tăng lên, các cơ sở đóng gói sẽ cần nguồn cung nito lỏng nhiều hơn. Ông Nguyên cũng cho biết, Malaysia là một trong những thị trường cung cấp sầu riêng lớn nhất cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên hiện nay quốc gia này lại đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nito lỏng cho việc cấp đông sầu riêng, ảnh hưởng đến vấn đề xuất khẩu.

Trong khi đó, ông Lai nhấn mạnh, doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Trung Quốc cần nắm rõ quy định, yêu cầu của Trung Quốc đối với hàng nông sản thực phẩm cũng như các quy định về kiểm dịch.

Các doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp sản xuất và thương mại) cần có bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách nghiên cứu về thị trường. Đồng thời cần tiếp cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 xuyên suốt từ quy trình sản xuất đến xuất khẩu hàng hóa, nhất là các nông sản, thực phẩm, sản phẩm tươi và bảo quản đông lạnh.

Về phía nhà nhập khẩu, chia sẻ về các yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất khẩu, ông Lưu Huy – Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Thương mại Hàng nông sản Kiệt Thái Hồ Nam kiêm Phó chủ tịch hiệp hội trái cây tỉnh Hồ Nam cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý đến quá trình chế biến sâu sản phẩm, đúng yêu cầu của Hải quan Trung Quốc.

Khi thu hoạch, cần thu hoạch trái chín 85% để tiện cho việc vận chuyển gia công. Ngoài ra, cần tiêu chuẩn hóa, đánh giá, phân loại sản phẩm sầu riêng theo từng đẳng cấp. Trái sầu riêng cũng yêu cầu cao trong vấn đề cấp đông nên phía doanh nghiệp cần xây dựng một chuỗi hậu cần hỗ trợ.

Thị trường Đài Loan khó tính hơn Trung Quốc đại lục, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng

Theo ông Vũ Văn Cường, Trưởng Đại diện bộ phận Thương vụ văn phòng kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, sầu riêng hiện là một trong 3 loại trái cây tươi của Việt Nam được xuất khẩu vào Đài Loan (cùng với thanh long ruột trắng và dưa). Việt Nam hiện cũng là một trong 3 thị trường cung cấp mặt hàng này cho Đài Loan khi thị trường này không thể tự trồng được sầu riêng.

Việt Nam có thuận lợi khi địa lý gần với Đài Loan, có văn hóa, ẩm thực tương đồng. Ngoài ra, đây là thị trường có thị hiếu đa dạng, đồng thời đóng vai trò trung gian cho rất nhiều loại sản phẩm của Việt Nam xuất sang các thị trường Âu, Mỹ và Đông Á. Đồng thời, tại đây người Việt sinh sống khá đông, chiếm khoảng 2% dân số của Đài Loan, tạo cơ hội để tiêu thụ trái sầu.

Tuy nhiên, trái sầu riêng của Việt Nam cũng gặp khó khăn khi chưa được nhiều người Đài biết đến, chủ yếu người tiêu dùng chỉ biết sầu riêng Thái Lan. Mặt khác, quy định khắt khe về an toàn thực phẩm, yêu cầu chất lượng, kiểm dịch cao hơn thị trường Trung Quốc, đây cũng là thế khó cho doanh nghiệp Việt. Chính sách thuế, phi thuế và giá cả đắt đỏ cũng kìm chân doanh nghiệp.

Về yêu cầu xuất khẩu đối với trái sầu riêng, nhà nhập khẩu của Đài Loan yêu cầu mỗi thùng sầu riêng chỉ có từ 3-4 trái, đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch của Đài Loan. Sầu riêng phải được bảo quản trong container lạnh khi xuất khẩu sang Đài Loan.

Về chính sách phi thuế quan, trái sầu riêng xuất vào thị trường phải đảm bảo yêu cầu kiểm dịch (B01) và kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm (F01) khi nhập khẩu.

Phía Đài Loan hiện đang tăng cường quản lý đầu nguồn và quản lý tại cửa khẩu; tăng cường quản lý, kiểm soát rủi ro tại cửa khẩu; tăng cường giám sát thị trường và quản lý đầu nguồn.

Theo Mekong Asean

 

Bài đọc thêm:

  1. Thái Lan ra mắt thị trường giống sầu riêng mới không có mùi hôi
  2. Xây dựng vùng trồng sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu đi Trung Quốc
  3. Sầu riêng, cơ hội, thách thức – Một HTX nông nghiệp số đầu tiên
  4. Sầu riêng chậm bước xuất khẩu vì chưa cấp mã số vùng trồng

Popular Posts

Back To Top