Kỹ sư 9X ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau đã sáng chế máy cho tôm ăn tự động, giúp người nuôi nhàn, giảm thất thoát, lợi nhuận lại tăng cao…
Ở Cà Mau hầu như ao tôm công nghiệp nào cũng phải sắm một cái chiếc máy tự động cho tôm ăn. Đây là dự án khởi nghiệp của thanh niên 9X Nguyễn Hải Đăng ở thị trấn Đầm Dơi.
Theo nhiều bà con nuôi tôm nơi đây, mỗi ngày tôm ăn nhiều cữ, thời gian cho ăn chiếm từ 60 – 70%. Vì thế, mỗi công nhân chỉ có thể quản lý một ao nuôi. Với những hộ nuôi quy mô lớn, chi phí công lao động cũng chiếm rất nhiều nên việc đầu tư, trang bị máy tự động cho tôm ăn là điều cần thiết.
Chủ trại tôm ở khóm 6, thị trấn Đầm Dơi cho hay, từ khi lắp đặt máy, một công nhân có thể quản lý 2 – 3 ao tôm. Việc áp dụng công nghệ vào ao nuôi cũng giúp sản lượng tôm đồng đều hơn. Hơn nữa, sử dụng máy cho ăn tự động cũng tiết giảm được lượng thức ăn dư thừa từ 10 – 20%, bà con nuôi tôm có được lợi nhuận tốt hơn. Bởi thực tế, thức ăn chiếm tới 80% chi phí đầu vào của nghề nuôi tôm công nghiệp.
Hơn nữa, quy trình vận hành máy tương đối đơn giản, máy được lập trình sẵn các tính năng. Thông qua bộ điều khiển, người nuôi dễ dàng quản lý, điều khiển các chế độ cho ăn theo ý muốn. Một ao tôm từ 500 – 1.000 mét vuông, trung bình chỉ từ 3 – 5 phút người nuôi đã hoàn thành việc cho ăn.
“Quá trình một ao kế bên áp dụng chiếc máy, cũng chung ngày thả tôm, loại tôm giống, người cho ăn máy đạt sản lượng 50 con, ở mức 50 – 55 ngày. Với người nuôi tương tự thì đạt 80 – 90 con, bà con nhận ra vấn đề, thấy hiệu quả và họ tìm mua, truyền miệng nhau về lợi ích của máy”, anh Đăng phấn khởi cho hay.
Theo chủ nhân sáng chế chiếc máy, thời gian đầu sản phẩm đưa ra thị trường, bà con chưa chấp nhận. Bởi quan điểm của mọi người là thuê nhân công rồi, tại sao phải mua máy làm gì. Mua máy rồi tôm có đạt được tốc độ phát triển nhanh hay không. Bà con ngại áp dụng cái mới.
Trong giai đoạn đầu lập nghiệp từ năm 2013, anh Đăng trực tiếp ở và nuôi nuôi tôm cùng với bà con. Đến nay qua gần 9 năm gắn bó, anh Đăng nhận thấy, quan điểm phát triển nghề nuôi tôm của bà con có nhiều tiến bộ.
“Trước đây bà con xem việc nuôi tôm giống như cái nghề buộc phải làm, không có gì làm thì nuôi tôm. Xu hướng hiện nay bà con lại xem nuôi tôm là một loại hình kinh doanh, bởi thấy được giá trị cao về mặt kinh tế. Và đã là một quy trình kinh doanh, phải đầu tư bài bản, để giảm chi phí, rủi ro, thu lại lợi cao.” Anh Đăng chia sẻ.
Tại ĐBSCL, anh nhận thấy nông dân làm thủ công rất nhiều, người nuôi không có trang thiết bị phục vụ. Từ đây, anh nung nấu ý định thành lập một công ty hoặc một cơ sở gì đó để sản xuất chuyên các sản phẩm phục vụ cho ngành tôm. Các sản phẩm này đầu tiên phải giải quyết được vấn đề sức người, giảm chi phí cho người nuôi. Và Công ty TNHH MTV Farmx.vn cũng hình thành từ đây.
Anh Đăng cho biết, máy tự động cho tôm ăn hiện đã được xuất khẩu trực tiếp đến các quốc gia, như: Malaysia, Đài Loan, Peru, Hàn Quốc, Philippines. Đây chính là câu trả lời về lợi thế cạnh tranh và xu hướng phát triển cho con tôm Việt Nam.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng, Farmx.vn cung cấp ra thị trường trên dưới 400 chiếc máy tự động cho tôm ăn, với doanh số 2 – 3 tỷ/tháng. Kế hoạch thời gian tới, công ty sẽ tập trung phát triển thêm các trang thiết bị phục vụ ngành tôm. Đồng thời, anh Đăng cho biết sẽ lấn sân sang lĩnh vực thủy hải sản như nuôi cá, trồng trọt công nghiệp, với những nghiên cứu mới, cho ra đời các dòng sản phẩm phù hợp.
Theo Báo NNVN
Bài đọc thêm:
- Mega A Logistics mở tuyến hàng hải Việt Nam-Nga trong tháng 8
- Giá tôm nguyên liệu nội địa tăng, xuất khẩu tôm Việt Nam thêm khó
- Hải Phòng: Thêm 2 máy soi container đi vào hoạt động tại cảng
- Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá
- Những công nghệ nuôi thủy sản hiện đại nhất đã có ở Lâm Đồng
- Xuất khẩu thuỷ sản tháng 7/2022 chững lại, xuống dưới 1 tỷ USD