Mì ăn liền từ trái thanh long: Thêm đầu ra bền vững cho nông sản

Đã đến lúc trái thanh long nói riêng, nông sản nói chung cần đa dạng hóa đầu ra, đặc biệt trong chế biến, tạo sản phẩm mới…

Dù cả gia đình rất thích ăn mì ăn liền nhưng chị Mai Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại lo ngại khi ăn nhiều sẽ gây nóng trong người, nên đã hạn chế các thành viên trong gia đình ăn món ăn này. Vừa qua, chị được bạn bè giới thiệu về sản phẩm mì ăn liền được làm từ trái thanh long ruột đỏ có nhiều lợi ích cho sức khỏe, chị Mai Anh đã lên sàn thương mại điện tử Lazada để đặt thử 10 gói mì ăn liền từ trái thanh long mang thương hiệu Caty. Được biết, sản phẩm mì ăn liền làm từ trái thanh long này vừa được ra mắt tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cuối tháng 1/2022. Đáng chú ý, sản phẩm mì ăn liền từ trái thanh long mang thương hiệu Caty là sản phẩm đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, được nghiên cứu và sản xuất từ công nghệ nano, giúp hỗ trợ khả năng phân tán thịt quả thanh long trong khối bột, giữ màu sắc của sản phẩm và hạn chế suy giảm những hoạt chất sinh học trong trái thanh long, duy trì tối đa các thành phần có lợi của trái thanh long trong sản phẩm mì ăn liền.

Đại diện đơn vị sản xuất cho biết, việc cho trái thanh long vào mì ăn liền sẽ giúp khắc phục được hạn chế từ trước đến nay của mì ăn liền là tính nóng. Bên cạnh đó, vì được làm từ thanh long ruột đỏ nên sản phẩm được cung cấp thêm vitamin A và C, sắt, canxi và chất xơ giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiếu máu, bảo vệ đường ruột… Đặc biệt, có thành phần chống oxy hóa chống lão hóa, ổn định huyết áp và nhịp tim.

Ông Lê Quang Huy – Tổng giám đốc Công ty TNHH Caty Food – cho biết, do việc xuất khẩu trái thanh long tươi gặp khó như thời gian vừa qua nên chúng tôi mong muốn đưa trái cây thanh long vào mì ăn liền, vừa phục vụ cho bà con nhân dân trong tiêu dùng thiết yếu, vừa khát khao đưa được những sản phẩm làm từ trái cây thanh long vươn xa tầm thế giới.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Caty Food thông tin, trước đây, một số sản phẩm giá trị gia tăng của đơn vị như bánh tráng thanh long đã góp phần tiêu thụ khoảng 20 – 60 tấn trái/tháng tùy theo đơn hàng. Nay có thêm phẩm mì ăn liền thanh long, doanh nghiệp hy vọng sẽ góp phần tiêu thụ thêm nhiều thanh long cho nông dân.

Bà Lê Thị Bích Liên – Bí thư Huyện ủy huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) – chia sẻ, là địa phương được xem là thủ phủ của trái thanh long, tuy nhiên việc tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm vẫn là bài toán khó đối với tỉnh. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn càng làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con nông dân. “Chính vì thế, việc tạo ra một sản phẩm mới dùng trái thanh long làm nguyên liệu rất cần thiết. Hy vọng, đây là một kênh đầu ra chủ lực cho tương lai” – bà Liên nói.

Đồng quan điểm, ông Võ Huy Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận – hy vọng, với việc sản xuất sản phẩm mì ăn liền dùng nguyên liệu từ trái thanh long sẽ giúp nông dân có thêm đầu ra, làm tăng thêm giá trị cho trái thanh long, từ đó giúp nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân.

Theo congthuong.vn

Bài đọc thêm:

  1. Tắc nghẽn cảng biển, Bộ Công Thương ra khuyến cáo cho doanh nghiệp
  2. Bộ Công Thương đề nghị Trung Quốc khôi phục việc thông quan hàng hóa
  3. Bộ Công Thương kiến nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ thanh long

Popular Posts

Back To Top