Mì ăn liền Việt Nam xuất khẩu EU lại gặp cảnh báo Ethylene oxide

Sản phẩm mì ăn liền hương vị gà và mì ăn liền hương vị cà ri của một công ty tại Bình Dương bị CHLB Đức thông báo mối nguy về chất cấm…

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, Đức vừa gửi cảnh báo sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri vì chứa chất cấm Ethylene oxide.

Đây là thông báo đầu tiên của các quốc gia EU về vấn đề này kể từ cuộc họp song phương với Đoàn công tác Việt Nam, nhân phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO vào ngày 23/6.

Tại buổi làm việc này, EU đề nghị Việt Nam phối hợp cung cấp dữ liệu thống kê về các hoạt động, cũng như tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật để phía bạn làm cơ sở tham khảo.

Trước đó, vào ngày 13/6, EU thông báo tiếp tục duy trì yêu cầu bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm và tần suất kiểm tra 20% đối với mì ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam (trong thành phần có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia khác).

Định kỳ, 6 tháng một lần, EU sẽ xem xét danh sách các thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, từ một số nước thứ ba chịu sự tăng cường tạm thời của biện pháp kiểm soát chính thức tại các chốt kiểm soát biên giới để đảm bảo an toàn thực phẩm. Đợt rà soát kế tiếp sẽ diễn ra vào tháng 12/2022.

Ngoài cảnh báo Ethylene oxide trong sản phẩm mì ăn liền, một quốc gia châu Âu khác là Malta còn thông báo cho phía Việt Nam về việc mì từ gạo biến đổi gen trái phép và Ba Lan thông báo trả lại mặt hàng mì ăn liền vị gà.

Sau khi nhận thông báo, Văn phòng SPS Việt Nam gửi công văn tới Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) – cơ quan quản lý nhà nước về sản phẩm mì ăn liền – đề nghị rà soát, kiểm tra và yêu cầu các nhà sản xuất rà soát các khâu trong chuỗi quản lý, nhằm xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

Trên cơ sở kết quả rà soát, kiểm tra, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Vụ Khoa học và Công nghệ gửi văn bản thông báo kết quả xử lý để tổng hợp, báo cáo.

Theo Nông sản Việt

 

Bài đọc thêm:

  1. EU tăng cường kiểm tra dư lượng MRL trên hàng hóa nhập khẩu
  2. Cảnh báo lá mướp đắng và nông sản vượt dư lượng và chất cấm
  3. Báo động tài nguyên đất trên toàn cầu đang sắp trở nên cạn kiệt
  4. Hội nghị G20: Vấn đề khủng hoảng lương thực có thể tệ hơn Covid

Popular Posts

Back To Top