Mở rộng đầu tư hạ tầng cửa khẩu để giải quyết “bài toán” ùn tắc nông sản

Để giải quyết “bài toán” ùn tắc nông sản tại cửa khẩu, cần mở rộng đầu tư hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng thương mại, hạ tầng logistics…

Từ cuối năm 2021 đến nay, tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc liên tục diễn ra. Thậm chí, ngay ngày 17/2/2022, phía Hà Khẩu (Trung Quốc) đã tạm thời ngừng hoạt động nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Hà Khẩu – Lào Cai (Việt Nam), gây thêm áp lực cho tiêu thụ nông sản. Theo ông, đâu là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng này?

Nguyên nhân trực tiếp của đợt ùn tắc từ trước Tết đến nay là do sự khác nhau giữa các biện pháp chống dịch.

Phía Trung Quốc vẫn theo đuổi chế độ “Zero Covid-19” nên sẽ kiểm soát hàng hóa chặt chẽ. Ví dụ, khi tìm thấy virus trên bao bì sản phẩm 3 lần Trung Quốc sẽ ngừng nhập khẩu mặt hàng đó. Điều đó đã xảy ra với thanh long.

Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam tăng lên, Trung Quốc cũng đề nghị tạm dừng sử dụng đội lái xe chuyên trách trong vùng đệm. Do vậy, số lượng lái xe chuyên trách giảm xuống dẫn tới xe thông quan giảm.

Bên cạnh vấn đề kiểm soát dịch bệnh Covid-19, những hạn chế trong hạ tầng cửa khẩu có phải là một trong những yếu tố gây nên tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu, thưa ông?

Trên toàn tuyến cửa khẩu biên giới với Trung Quốc hiện nay có 76 cửa khẩu, trong đó có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu quốc gia, còn lại là cửa khẩu phụ, lối mở. Tuy chưa có định nghĩa chính thức, song các hình thức xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế và quốc gia là xuất khẩu chính ngạch, còn xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở là xuất khẩu tiểu ngạch.

Xuất khẩu chính ngạch thường là doanh nghiệp đã có hợp đồng giữa người bán ở Việt Nam và người mua tại Trung Quốc rõ ràng, quy định điều khoản chặt chẽ và lâu dài. Trong khi đó, hàng hoá thông qua cửa khẩu phụ, lối mở thường là những hàng không có hợp đồng định trước mà chỉ đưa hàng sang bên kia biên giới sau đó gặp được người mua sẽ bán.

Vì đặc điểm như vậy nên khi hàng nông sản Việt Nam vào các vụ chín rộ, đặc biệt là những mặt hàng như thanh long, dưa hấu, lượng xe dồn lên cửa khẩu nhiều.

Các cửa khẩu đều nằm ở miền núi nên khả năng thông quan rất hạn chế, trung bình 1 ngày nếu trong điều kiện bình thường 1 cửa khẩu có thể thông quan được 300-350 xe. Tuy nhiên, vào những thời điểm nông sản chín rộ, có khi 1 ngày lượng xe lên cửa khẩu là 800 – 1000 xe, gây ra tình trạng ùn tắc như thời gian qua.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các địa phương trong định hướng, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản, giảm tình trạng nông sản kéo lên biên giới gây ùn tắc kéo dài?

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ NN&PTNT cũng như các bộ, ngành rất nhiều lần có thông tin cảnh báo, hướng dẫn cho các địa phương, thương lái, doanh nghiệp làm sao có thể chuyển mạnh sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, tiến tới xoá bỏ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch.

Hình thức xuất khẩu tiểu ngạch sẽ mang lại rất nhiều rủi ro, quan hệ thương mại không có tính bền vững lâu dài.

Về phía địa phương, vai trò của địa phương hết sức quan trọng vì địa phương là nơi sâu sát với nông dân, với các thương nhân ở trên địa bàn, khu vực. Chính các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La thời gian qua đã là bài học rất tốt trong việc tham gia trực tiếp hỗ trợ cho người nông dân.

Ví dụ như, các địa phương tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài đến xem hàng, mua hàng, thực hiện các khâu đóng gói, lựa chọn trước ở trong lãnh thổ Việt Nam. Sau đó, khi hàng lên biên giới chỉ thông quan chứ không cần làm các thủ tục lựa chọn trở lại.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng hướng dẫn cho nông dân, thương lái đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí về đóng gói, bao bì, nhãn mác, quy định về mã vạch, truy xuất nguồn gốc… để khi hàng lên đến cửa khẩu không rơi vào tình trạng vì bị lỗi nhỏ mà bị từ chối thông quan.

Một khi chính quyền địa phương vào cuộc, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ thì sự hỗ trợ của các bộ, ngành sẽ thuận lợi hơn trong các mặt, ví dụ như kết nối giao thương, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin hoặc hướng dẫn cho người nông dân, thương lái những tiêu chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hoá.

Các bộ, ngành không thể hỗ trợ được tất cả các nơi nếu vai trò của chính quyền địa phương chưa được phát huy.

Về dài lâu, theo ông đâu là vấn đề mang tính căn cơ, dài hạn giúp giải quyết “bài toán” ùn tắc nông sản tại cửa khẩu?

Tôi cho rằng, việc mở rộng đầu tư hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng thương mại, hạ tầng logistics là vấn đề mang tính căn cơ, dài hạn; cần có những trung tâm logistics, cần có những kho lạnh, kho mát để bảo quản được các sản phẩm nông sản với thời gian lâu hơn.

Ngoài ra, cần tăng cường chế biến sau thu hoạch nhằm đem lại những sản phẩm có giá trị cao hơn, không bị phụ thuộc vào yếu tố thời vụ. Như vậy, vừa có thể nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản, vừa giảm bớt sức ép dồn lên các cửa khẩu như thời gian vừa qua.

Xin cảm ơn ông!

Theo haiquanonline

Bài đọc thêm:

  1. Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Hà Khẩu – Lào Cai
  2. Lạng Sơn: Nông sản xuất Trung Quốc lại có dấu hiệu ùn tắc sau Tết
  3. Hơn 300 xe nông sản được xuất khẩu qua Lạng Sơn trong dịp Tết

Popular Posts

Back To Top