Cùng với nguy cơ mất an ninh lương thực, thế giới lại lo ngại về đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu từ công xưởng thế giới, đó là Trung Quốc.
Nguyên nhân là do đợt bùng phát COVID-19 hiện nay tại Trung Quốc đại lục được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong hơn 2 năm qua. Ít nhất 13 thành phố và huyện tại Trung Quốc đã bị phong tỏa ở những mức độ khác nhau.
Tại Thượng Hải, thành phố 25 triệu dân, nhiều khu vực trung tâm vắng ngắt. Nhiều doanh nghiệp, cửa hiệu đóng cửa vì phong tỏa cục bộ.
Còn trung tâm kinh tế Giang Tô, Chiết Giang, Thiên Tân, nơi tập trung các cảng biển quốc tế, các nhà máy gia công khổng lồ xuất hàng hóa đi khắp thế giới đều bị dịch. Khu công nghiệp, cảng biển bị kiểm soát gắt gao.
Riêng thành phố Thâm Quyến, 17 triệu dân, trung tâm công nghệ, chế tạo bị phong tỏa cứng. Foxconn – nhà sản xuất gia công cho Apple, đã ngừng hoạt động ở Thâm Quyến. Nhà cung cấp chip Xinxing Electronics của Intel đóng cửa nhà máy. Tập đoàn Volkswagen (Đức) đóng cửa ở tỉnh Cát Lâm.
Việc phong tỏa nghiêm ngặt ở Thâm Quyến, cùng dịch bệnh nghiêm trọng ở Hong Kong (Trung Quốc) khiến hoạt động của các cảng quốc tế xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng, đợt dịch mới này sẽ tác động đáng kể lên nền kinh tế trong ngắn hạn cũng như khiến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị ảnh hưởng. Với chính sách Zero COVID-19, nước này gần như đóng cửa với thế giới 2 năm nay.
Nhiều tổ chức quốc tế đã hạ mức tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc do dùng những biện pháp mạnh để phong tỏa dịch. Tuy nhiên quan chức y tế nước này vẫn tiếp tục siết chặt các biện pháp chống dịch bởi dịch bệnh đang lây lan nhanh.
Theo VTV.vn
Bài đọc thêm:
- Chuỗi cung ứng toàn cầu gánh thêm áp lực gián đoạn
- Chuỗi cung ứng toàn cầu năm 2022 vẫn tiềm ẩn nhiều rắc rối
- Bùng nổ dịch vụ trục vớt hàng hóa bị “bỏ rơi” trong chuỗi cung ứng