Mỹ: Nhu cầu nhập khẩu tôm tiếp tục tăng hậu COVID-19

Nhập khẩu tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng cạnh tranh tốt hơn khi Ấn Độ gặp nhiều rào cản do đại dịch COVID-19 gây ra…

  • Xuất khẩu tôm sang Mỹ của Việt Nam nhanh chóng phục hồi trở lại trong tháng 9.
  • Nhu cầu nhập tôm của Mỹ tăng khi COVID-19 lui đi và các dịp lễ cuối năm tới gần.

Trong top 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam, Mỹ là thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt nhất. Trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 do dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL, xuất khẩu tôm sang Mỹ chỉ giảm trong tháng 8 và nhanh chóng phục hồi trở lại trong tháng 9.

Sau khi giảm trong tháng 8, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9/2021 phục hồi nhẹ, tăng 8% đạt 97,6 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 775 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ.

Mỹ vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu tôm chân trắng hàng đầu của các DN thủy sản Việt Nam. 89% giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ là sản phẩm tôm chân trắng. Trong đó, giá trị tôm chân trắng chế biến (HS16) giảm nhẹ 0,6%, tôm chân trắng sống/tươi, đông lạnh (HS03) tăng 49%. Tôm sú chỉ chiếm 8,8% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ, cũng ghi nhận giá trị tăng 46%. Trong đó, xuất khẩu tôm sú tươi/đông lạnh (mã HS03) tăng 72%. Tuy nhiên, tôm sú chế biến xuất khẩu sang Mỹ giảm 29%. Xuất khẩu tôm biển sang Mỹ tăng 42%, đặc biệt tôm biển khô tăng trưởng tốt 96% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhu cầu tôm cỡ lớn của Mỹ đang hồi phục, Mỹ cũng có nhu cầu cao với sản phẩm tôm thịt tươi/đông lạnh (PD) của Việt Nam. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng, đà tăng trưởng này sẽ kéo dài đến quý I/2022.

Doanh số bán lẻ tại Mỹ duy trì tăng trong đại dịch. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn cao phục vụ bán hàng mang đi và giao hàng tận nơi. Nhu cầu nhà hàng, dịch vụ thực phẩm tại Mỹ dần phục hồi do tốc độ tiêm vaccine nhanh chóng ở nước này.

Sản lượng khai thác tôm nước lạnh tại các nguồn cung cho Mỹ giảm, cũng khiến nhu cầu nhập khẩu tôm nước ấm của Mỹ tăng. Bão Ida xảy ra đầu tháng 9 năm nay cũng ảnh hưởng tới nguồn cung tôm nội địa của Mỹ.

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ tăng cao khi thị trường này mở cửa trở lại hậu Covid, vaccine được bao phủ diện rộng và các dịp lễ cuối năm đang tới gần. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhập khẩu tôm của Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 8/2021. Tháng 8 là tháng thứ 9 liên tiếp, nhập khẩu tôm của Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương. Mỹ nhập khẩu 89.407 tấn tôm, trị giá 822,9 triệu USD trong tháng 8/2021, tăng 8% về khối lượng và 17% về giá trị so với 82.427 tấn, trị giá 701,6 triệu USD trong tháng 8/2020.

Hiện Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam là 4 thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Mỹ.

Tháng 8/2021, Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu, chiếm tỷ trọng nhập khẩu tôm lớn nhất của Mỹ với khối lượng 36.773 tấn, trị giá 323,5 triệu USD, tăng 16% về khối lượng và 18% về giá trị so với tháng 8/2020.

Ấn Độ chiếm 38% tổng nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 8/2021. Giá nhập khẩu trung bình từ Ấn Độ tăng 2% đạt 8,80 USD/kg trong tháng 8/2021 từ 8,64 USD/kg của cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu đạt 8,34 USD/kg trong tháng 7/2021. Ấn Độ, giống như nhiều nhà nhập khẩu của Mỹ đã dần phục hồi sản xuất sau khi phải đối mặt với tác động nặng nề của Covid 19 đầu năm nay.

Ecuador vượt qua Indonesia, giữ vị trí thứ 2 về cung cấp tôm cho Mỹ trong 2 tháng liên tiếp. Khối lượng nhập khẩu tôm của Mỹ từ Ecuador trong tháng 8 năm nay tương đương năm ngoái, đạt 16.496 tấn. Giá trị nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Ecuador trong tháng 8 năm nay tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 133 triệu USD.

Xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc gặp trở ngại do Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu với một số công ty cung cấp tôm lớn của Ecuador do lo ngại Covid-19, Ecuador đã chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và đã tăng được thị phần ít nhất từ tháng 7/2020.

Nhu cầu các sản phẩm tôm Ecuador đã tăng ở Trung Quốc, EU và Mỹ. Nguồn cung tôm cho Mỹ từ các nguồn cung châu Á bị ảnh hưởng do chi phí logistics tăng cao.

Ecuador với lợi thế vị trí địa lý gần với Mỹ, vận chuyển dễ dàng và đang nỗ lực nâng cao trình độ chế biến. Trước đây, Ecuador chỉ bán tôm nguyên con vì không có lao động chế biến, nay Ecuador tăng nhập khẩu lao động nữ từ các nước lân cận để nâng cao trình độ, năng suất chế biến. Về lâu dài, Ecuador đang ngày càng tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường Mỹ và đây là đối thủ cạnh tranh mà các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam nên lưu tâm.

nhập khẩu tôm của Mỹ từ Ecuador liên tục tăng mạnh từ đầu năm nay. Tuy nhiên, theo chuyên gia, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Ecuador sang Mỹ sẽ khó duy trì được trong thời gian tới do thiếu nguyên liệu để chế biến.

Trong 8 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Mexico giảm mạnh do lệnh cấm nhập khẩu kéo dài 6 tháng, nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm do chiến tranh thương mại kéo dài đã nhiều năm qua.

Theo VASEP

Popular Posts

Back To Top