Nga sẽ chỉ xuất khẩu lương thực, cây trồng tới các “quốc gia thân thiện” và thu về đồng ruble hoặc đồng nội tệ của các nước này.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev ngày 3/4 cho biết thông tin trên. Trước đó, ông Medvedev nhấn mạnh lương thực là một “vũ khí thầm lặng” trong cuộc chiến trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga có thể ngừng mua bán thực phẩm với các quốc gia Nga cho là không thân thiện.
Nga là một trong những nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới, bên cạnh Ấn Độ và Trung Quốc. Nga cũng là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất.
Nga cung cấp 18% lượng lúa mì và 39% lượng dầu hạt cải cho thế giới. Nếu Nga hạn chế xuất khẩu các mặt hàng này hoặc thế giới từ chối nhập mặt hàng này của Nga, điều đó có thể làm trầm trọng thêm nạn đói toàn cầu, theo Washington Post.
Xuất khẩu nông nghiệp đã mang về cho Nga 37 tỷ USD trong năm 2021 và Nga có “rất nhiều bạn hàng” bên ngoài châu Âu, Bắc Mỹ.
Năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã giáng các đòn trừng phạt kinh tế vào Moscow. Nga đã đáp trả bằng một số biện pháp, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu nhiều loại thực phẩm. Phương Tây đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kể từ ngày 24/2 vừa qua, khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nguy cơ thiếu lương thực trên thế giới đã được cảnh báo sau khi chiến sự Nga – Ukraine bùng phát. Ukraine cũng là nhà sản xuất lúa mì hàng đầu trên thế giới.
Hôm 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh, theo đó việc xuất khẩu khí đốt sang “các nước không thân thiện” (những nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga) sẽ phải được thanh toán bằng đồng ruble bắt đầu từ ngày 1/4.