Ngư dân các tỉnh khốn khổ vì thi công cảng cá vẫn chậm tiến độ

Thi công cảng cá chậm tiến độ cản trở tàu thuyền cập bến bốc dỡ cá, ngư dân phải sang cảng khác để bốc dỡ thì sẽ bị lập biên bản xử phạt…

Thi công cảng cá chậm tiến độ, ngư dân khốn khổ

Ngày 29/7, ngư dân Dương Văn Ngà (Thừa Thiên Huế) điều khiển tàu thu mua hải sản trên biển, số hiệu TTH-90223 cập cảng cá Bắc Cửa Việt tại huyện Gio Linh (Quảng Trị) để bốc dỡ cá bị lực lượng chức năng lập biên bản, xử phạt 3,5 triệu đồng.

Theo ông Ngà, chiếu theo quy định của Luật thủy sản, cảng cá Bắc Cửa Việt không đủ điều kiện để tàu trên 15m cập cảng bốc hàng. Tuy nhiên, thời điểm này, nếu ngư dân không làm thế hàng hóa sẽ hỏng, giá bán giảm, lỗ càng thêm lỗ.

“Cảng cá Nam Cửa Việt hiện đang sửa chữa, nâng cấp nên số lượng tàu cập cảng rất hạn chế. Nếu chúng tôi vào đó, chờ nửa ngày trời mới bốc cá thì hỏng hết. Vì vậy, dù bị phạt nhưng tôi cũng phải lên đây bốc dỡ cá”, ông Ngà cho hay.

Theo ông Ngà, thời điểm cuối tháng 7, dù giá dầu đã xuống nhưng sau khi tính toán, cộng cả tiền bị xử phạt, tàu thu mua của ông lỗ gần 40 triệu đồng.

Là người chuyên thu mua hải sản lâu năm ở các cảng cá, ông Dương Thế Lai chia sẻ, bình quân mỗi thuyền thu mua khi vào bờ cần 6 – 10 giờ bốc cá ra nhập cho tư thương. Nếu chỉ cần chậm bốc hàng vài giờ đồng hồ, cá bị ươn, giảm chất lượng kéo theo giá cả sẽ giảm từ 30 – 50%. Vì vậy mới xẩy ra tình trạng người dân chấp nhận chịu phạt để lên Cảng Bắc Cửa Việt bốc dỡ cá.

Đây không phải là trường hợp duy nhất sau khi cập cảng cá Bắc Cửa Việt để bốc dỡ hàng hóa bị lực lượng chức năng lập biên bản, xử phạt. Trước tình hình này, nhiều ngư dân đã ký đơn tập thể gửi các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị nới lỏng quy định nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt cho bà con.

Theo quan sát của chúng tôi, những ngày đầu tháng 8, lượng tàu có chiều dài trên 15m cập cảng cá Bắc Cửa Việt để bốc dỡ hàng hóa không phải là ít. Nguyên nhân sâu xa được xác định là do cảng cá Nam Cửa Việt cách đó chỉ 1 – 2km đang trong quá trình thi công nâng cấp nên thuyền ra vào rất khó khăn, việc bốc dỡ hàng hóa cũng bị ảnh hưởng.

Một chủ nậu thu mua cá làm thức ăn gia súc tại cảng cá Nam Cửa Việt cho hay, cảng bị bồi lắng, thuyền lớn chỉ vào được khi thủy triều lên. Bên cạnh đó, một diện tích lớn trước cầu cảng hiện đang thi công nên tàu thuyền cũng không thể vào được.

Ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị khẳng định, việc xử phạt các tàu cá không cập cảng cá chỉ định là hoàn toàn chính xác. Các chủ tàu cần tuân thủ đúng quy định khi muốn cho tàu cập cảng.

“Quảng Trị có hai cảng cá cấp 2 được chỉ định cho những tàu có chiều dài trên 15m cập cảng bốc dỡ. Tuy nhiên, cảng cá Nam Cửa Việt đang thi công dở dang ít nhiều gây cản trở việc tàu thuyền ra vào. Theo quy định, bà con trước khi cập cảng 1 tiếng cần báo cho ban quản lý cảng cá để đăng ký hàng hóa qua cảng theo đúng quy định. Tùy tình hình, ban quản lý cảng cá sẽ sắp xếp hoặc có phương án phù hợp nhất với thực tế. Nếu chúng tôi không làm nghiêm vấn đề này thì việc gỡ thẻ vàng IUU sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn”, ông Thặng cho hay.

Vướng mắc giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư xin gia hạn đến cuối 2023

Cảng cá Nam Cửa Việt được xây dựng trên 20 năm nay với công suất nhỏ nay đã bị bồi lắng, xuống cấp. Trong khi đó, tàu cá của ngư dân được đóng mới, cải hoán ngày càng tăng công suất, kích thước. Vì vậy, khi nghe tin cảng cá được nâng cấp, sửa chữa, ngư dân rất phấn khởi. Thế nhưng, việc thi công cảng cá chậm tiến độ đã gây ra nhiều hệ lụy.

Một chủ cơ sở hậu cần nghề cá tại cảng cá Nam Cửa Việt cho biết, việc cảng cá thi công chậm tiến độ khiến nhiều tàu lớn không muốn vào đây tháo dỡ, bốc hàng và tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm. Hàng loạt cọc bê tông khu vực mặt nước trước cảng còn làm ảnh hưởng đến luồng lạch, gây nguy hiểm cho tàu cá mỗi khi ra vào. Trước đây, mỗi ngày cơ sở này có thể xuất bán từ 2.000 – 3.000 cây đá lạnh cho các tàu cá xa bờ nay chỉ còn từ 100 – 200 cây.

Dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tỉnh Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 1/5/2019. Dự án bao gồm 3 hợp phần: Nâng cấp, sửa chữa cảng cá Cửa Tùng (Vĩnh Linh); nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt (Triệu Phong); xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Bắc Cửa Việt (Gio Linh).

Dự án có tổng mức đầu tư 300 tỉ đồng. Riêng hợp phần nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt có tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Trị làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành và bàn giao, đi vào hoạt động trước ngày 30/6/2022.

Tuy nhiên, hợp phần nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt hiện mới chỉ thi công được 50% kế hoạch, nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Đến nay, sau gần 2 năm thi công, nhà thầu vẫn chưa có trong tay 100% mặt bằng sạch để triển khai. Nhiều hộ dân gần khu vực dự án chưa thống nhất với chủ trương thu hồi đất để xây dựng cảng cá theo quy hoạch được duyệt. Một số hộ dân ở khu vực quy hoạch đã xây dựng nhà ở kiên cố.

Đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, kinh phí giải phóng mặt bằng dự kiến tăng thêm 22 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư nên cần phải điều chuyển nguồn kinh phí dự phòng ngoài hợp đồng của các công trình, đồng thời điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án thành phần cho dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Bắc Cửa Việt. Vì vậy, một số hạng mục không được đầu tư như đã được phê duyệt.

Theo Báo NNVN

 

Bài đọc thêm:

  1. Ô nhiễm trầm trọng và thực trạng xuống cấp ở cảng cá tại Nghệ An
  2. TP Huế: Ngư dân lo lắng trước 14 tấn cá nuôi lồng chết hàng loạt
  3. Vướng mắc kiểm dịch thủy sản nhập đã được giải quyết sau 7 năm
  4. Ngư dân Việt Nam ra khơi trở lại khi giá xăng dầu liên tục giảm sâu
  5. Khép kín sản xuất và kinh doanh ngọc trai – doanh nghiệp đầu tiên
  6. Mega A Logistics mở tuyến hàng hải Việt Nam-Nga trong tháng 8

Popular Posts

Back To Top