Nguy cơ ùn tắc hàng chính ngạch sang Trung Quốc trong năm 2022

Từ 1-1-2022, toàn bộ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc phải đăng ký và được hải quan Trung Quốc cấp mã.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Ngô Xuân Nam – phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam, Bộ NN&PTNT) – nhấn mạnh phải chấp nhận quy định của phía Trung Quốc.

Ông nói: Lệnh 248 và 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu các mặt hàng thực phẩm, trong đó có nông sản, nhập khẩu vào nước này từ 1-1-2022 sẽ phải đáp ứng quy định mới về đăng ký, kiểm tra và dán nhãn. DN cần nghiên cứu kỹ và hiểu đúng các quy định này để áp dụng.

Việc cấp mã sản phẩm và đăng ký doanh nghiệp mới chỉ là bước đầu, việc tổ chức sản xuất ra sản phẩm đáp ứng các quy định của thị trường mới là việc cần quan tâm.”, TS Ngô Xuân Nam (phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam)

Không được xuất khẩu nếu chưa được cấp mã

* Có khá nhiều điểm mới trong lệnh 248, 249 của phía Trung Quốc?

– Với lệnh 248, Trung Quốc điều chỉnh phương thức đăng ký DN đối với 18 nhóm mặt hàng có “nguy cơ mất an toàn thực phẩm” thì DN phải đăng ký qua các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam, đối với các nhóm mặt hàng còn lại, DN tự đăng ký hoặc ủy thác đại lý thực hiện trên hệ thống https://cifer.singlewindow.cn hoặc https://www.singlewindow.cn.

Hải quan Trung Quốc kiểm tra hàng hóa bằng các hình thức qua hồ sơ, kiểm tra video, kiểm tra thực tế hoặc tiến hành kiểm tra đánh giá theo tổ hợp các hình thức. Việc ghi nhãn sản phẩm, phía bạn yêu cầu trong, ngoài bao bì phải ghi mã số đăng ký do Trung Quốc cấp hoặc mã số đăng ký đã được cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp.

* Có DN phản ảnh đã nộp hồ sơ rất lâu để được cấp mã nhưng đến nay chưa được cấp. Nguyên nhân do phía Trung Quốc, Bộ NN&PTNT hay do DN chưa đáp ứng yêu cầu?

– Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo sẽ cập nhật danh sách DN từ ngày 15-12 đến trước 31-12 đối với các doanh nghiệp đã đăng ký đúng quy định.

Tính đến 17h ngày 25-12, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cập nhật kết quả phê duyệt 1.055 mã sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu vào Trung Quốc. Hiện nay phía Trung Quốc vẫn tiếp tục thẩm định, phê duyệt mã sản phẩm kèm theo danh sách DN của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì vậy DN phải chờ kết quả thẩm định, phê duyệt.

* Từ 1-1-2022, hàng hóa mà chưa được cấp mã số thì có xuất được sang Trung Quốc không?

– Theo quy định, hai lệnh này sẽ áp dụng từ ngày 1-1-2022, vì vậy với hàng hóa và DN mà chưa được cơ quan chức năng nào cấp mã thì đương nhiên không xuất khẩu chính ngạch được vào thị trường Trung Quốc.

Chịu trách nhiệm ngay cả khi đã xuất khẩu

* Đối với các điểm mới như trên, DN xuất khẩu phải lưu ý những quy định gì để tránh vi phạm quy định của Trung Quốc, thưa ông?

– DN cần nghiên cứu kỹ và hiểu đúng các quy định của lệnh 248 và 249 để áp dụng vào hoạt động sản xuất sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tránh vi phạm các quy định. Đặc biệt lưu ý kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, hồ sơ vùng nuôi, vùng trồng, điều kiện nhà xưởng, điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm… bởi Trung Quốc có thể kiểm tra trực tuyến và đáp ứng đúng quy định về bao bì, nhãn mác.

DN cũng phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó cần lưu ý chọn những đối tác đảm bảo, tin cậy nhằm giúp việc lưu trữ hồ sơ.

Bộ, ngành Việt Nam đã làm gì?

* Trước quy định mới của Trung Quốc, Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ việc cấp mã số cho các DN xuất khẩu sang Trung Quốc thế nào?

– Văn phòng SPS Việt Nam đã có nhiều văn bản hướng dẫn tiến hành đăng ký theo quy định của lệnh 248 và công hàm 353. Chúng tôi cũng phối hợp cùng các đơn vị của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế… tổ chức nhiều tọa đàm, hội nghị phổ biến, hướng dẫn trực tuyến tới các địa phương và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Văn phòng SPS Việt Nam đã thiết lập kênh thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, các hiệp hội, ngành hàng có liên quan để cập nhật kịp thời thông tin, trao đổi, giải đáp thắc mắc của DN cũng như cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Việc cấp mã sản phẩm và đăng ký DN mới chỉ là bước đầu, việc tổ chức sản xuất ra sản phẩm đáp ứng các quy định của thị trường mới cần quan tâm. Sắp tới, Văn phòng SPS Việt Nam cùng với các cơ quan liên quan sẽ triển khai các hoạt động cần thiết để hướng dẫn sâu hơn nữa đối với các DN, hợp tác xã và hộ nông dân tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến… đáp ứng quy định của thị trường.

* Ông có đánh giá, nhận định như thế nào về khả năng tắc nghẽn xuất khẩu sang Trung Quốc sau ngày 1-1-2022?

– Với mục tiêu không làm gián đoạn thương mại nông sản thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc sau ngày 1-1-2022, đã có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành có liên quan, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, chính quyền địa phương, các hiệp hội, ngành hàng, các cơ quan truyền thông…

Đặc biệt cần nhận thức đúng của DN, hợp tác xã… về yêu cầu của phía Trung Quốc, tôi hy vọng việc xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ đạt hiệu quả.

Doanh nghiệp nói mã được cấp chậm và ít

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo sở NN&PTNT cho rằng việc triển khai từ phía Bộ NN&PTNT là gấp gáp.

Ông Nguyễn Lâm Viên – tổng giám đốc Vinamit – cho biết đến nay các sản phẩm của DN ông vẫn chưa được cấp mã để vào thị trường Trung Quốc, dù đây là thị trường Vinamit đã làm ăn lâu năm. “Chúng tôi đều hiểu đây là cuộc chơi do phía Trung Quốc làm chủ. Và nhiều DN có tên tuổi của Việt Nam đang xuất hàng qua đây cũng đang phải chờ như vậy” – ông Lâm Viên nói.

Có cả văn phòng đại diện tại Trung Quốc nhưng đến nay Công ty Vina T&T (TP.HCM) vẫn đang chờ bước phản hồi cuối cùng để có mã DN và mã sản phẩm. Ông Nguyễn Đình Mười – phó tổng giám đốc DN này – cho biết rất… may mắn vì đã kịp đa dạng hóa thị trường, nên tác động của việc chậm cấp mã này từ Trung Quốc không quá lớn.

Theo nhiều DN, nếu phía Trung Quốc mới chỉ cập nhật kết quả phê duyệt 1.055 mã sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam, điều đó cũng có nghĩa có thể còn rất nhiều DN cũng như hàng hóa nông sản Việt phải chờ.

Con số đã được phê duyệt có thể rất ít so với nhu cầu bởi theo một số lãnh đạo DN, chỉ tính riêng ngành hạt điều hay cà phê thì số DN xuất hàng đã rất đông. Theo quy định mới, hàng xuất khẩu sẽ phải in mã số DN cùng các thông tin liên quan lên bao bì đóng gói. Ngày 1-1-2022 đã rất gần mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc vẫn chưa cấp nên nguy cơ ách tắc đã là rất thực với nhiều DN.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công thương An Giang, nhiều loại thực phẩm và gạo vẫn có cơ chế riêng nên chưa ảnh hưởng.

Triển khai quá gấp?

Văn phòng SPS Việt Nam cho hay đã có văn bản gửi các cơ quan thẩm quyền, các đơn vị trong mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật và các hiệp hội để thông báo việc thay đổi chính sách nêu trên của thị trường Trung Quốc từ 31-5.

Tuy nhiên, chiều 28-12, ông Trần Thanh Tâm – chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Tháp – cho biết gần cuối tháng 11 vừa qua, Bộ NN&PTNT có triển khai trực tuyến thực hiện lệnh 248 và 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. “Lệnh 248 và 249 này triển khai quá gấp khi chỉ còn vài ngày nữa mà yêu cầu đăng ký tên DN về bộ” – ông Tâm nói.

Sau đó, Sở NN&PTNT phối hợp Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp rà soát các địa phương, DN trong tỉnh đến nay chưa có ai gửi hồ sơ để cấp mã vạch xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Theo ông Tâm, đa số DN trong tỉnh đều thu mua nông sản rồi sau đó bán lại cho DN khác xuất sang Trung Quốc nên không ai đăng ký.

Ông Trương Kiến Thọ – phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang – cũng cho rằng việc triển khai này đúng là quá gấp và đề nghị Bộ NN&PTNT cố gắng hỗ trợ nếu có DN có nhu cầu để họ vượt qua khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn đang trong trạng thái chờ được cấp mã và nếu không được cấp kịp thời, dây chuyền sản xuất, việc làm của công nhân có thể bị ảnh hưởng nặng.

Theo Báo Tuổi Trẻ

Popular Posts

Back To Top