Thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, gia công xuất khẩu sẽ được miễn kiểm dịch theo Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT ban hành ngày 27/7…
Ngày 28/7/2022, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.
Theo đó, Thông tư 06/2022 đã sửa đổi, bổ sung danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản miễn kiểm dịch, gồm: động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu thuộc diện ngoại giao; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu thử nghiệm; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để trưng bày hội chợ, triển lãm; sản phẩm động vật thủy sản làm thực phẩm xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về.
Đây là một tin vui đối với ngành thủy sản Việt Nam, khi mà nhập khẩu thủy sản nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu đang có xu hướng gia tăng.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, từ năm 2016 đến nay, kim ngạch nhập khẩu thủy sản luôn ở mức từ 1,1-1,8 tỷ USD/năm.
Trong đó, giá trị sản phẩm thủy sản nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu (tức không tiêu dùng trong nước) chiếm 75-80% kim ngạch nhập khẩu thủy sản hàng năm, qua đó, đóng góp không nhỏ cho kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong các năm qua.
Như vậy, có thể nói nhập khẩu thủy sản nguyên liệu đang chủ yếu nhằm phục vụ cho tăng trưởng xuất khẩu thủy sản, và Việt Nam đang dần trở thành một thị trường gia công thủy sản lớn trên thế giới.
Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định, nhập khẩu thủy sản nguyên liệu có vai trò rất quan trọng đối với các doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu vốn luôn trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Để giải quyết bài toán nguyên liệu, các doanh nghiệp hải sản phải tăng cường nhập khẩu thủy sản nguyên liệu để ổn định đầu vào.
Có những mặt hàng hải sản xuất khẩu chủ lực mà nguyên liệu nhập khẩu hiện đang chiếm tỷ trọng lớn như cá ngừ đại dương có tới 70% cá nguyên liệu nhập từ nước ngoài.
Việc nhập khẩu thủy sản nguyên liệu để chế biến xuất khẩu đã được tiến hành gần 20 năm nay. Chính nhờ nguồn thủy sản nhập khẩu, các doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu đã có sự phát triển mạnh, tạo ra giá trị xuất khẩu cao, giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và tạo ra nhiều công ăn việc làm.
Chẳng hạn, ở khu vực Quy Nhơn (Bình Định), Khánh Hòa và một số địa phương khác, tổng cộng có chưa tới 10 doanh nghiệp chế biến cá ngừ đại dương với khoảng 7.000 lao động, trong nửa đầu năm nay đã tạo ra giá trị xuất khẩu trên 500 triệu USD.
Từ những thông tin trên, có thể thấy, vai trò của thủy sản nguyên liệu nhập khẩu là rất quan trọng đối với xuất khẩu thủy sản. Nhưng lâu nay, theo những quy định cũ, các container hàng nhập khẩu đều phải kiểm tra 100% (hồ sơ, cảm quan) dù là nhập cho mục đích gì (sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu, hay tiêu dùng nội địa) và có lịch sử ra sao.
Việc lấy mẫu kiểm nghiệm được áp dụng khi có nghi ngờ đối với hàng nhập để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu và 20% số lô/năm đối với hàng nhập để tiêu dùng nội địa. VASEP cho rằng, việc này dẫn đến quy mô và số lượng mặt hàng, lô hàng phải “kiểm tra nhập khẩu” hiện nay là rất lớn.
Chính vì vậy, theo đánh giá của VASEP, Thông tư 06/2022 của Bộ NN-PTNT đã thực sự tháo gỡ một gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp thuỷ sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định và thiếu hụt theo mùa vụ, trong khi nhu cầu nhập khẩu của thị trường thế giới đang gia tăng.
Theo Báo NNVN