Một số công ty sản xuất chả cá của Nhật Bản đã tăng giá kể từ đầu tháng 2 năm nay, và giá có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
- Chi phí nguyên liệu, vận chuyển, đóng gói và năng lượng đồng thời gia tăng.
- Đồng yên Nhật suy yếu cũng ảnh hường đến giá thủy sản tại nước này.
Công ty sản xuất chả cá hàng đầu của Nhật – Kibun Foods có trụ sở tại Tokyo, đã tăng giá toàn bộ các sản phẩm chả cá và một số sản phẩm ăn kèm lên 8% kể từ ngày 28/02/2022. Công ty đưa ra một số nguyên nhân như chi phí nguyên liệu, vận chuyển, đóng gói và năng lượng gia tăng.
Công ty sản xuất chả cá lớn tiếp theo của Nhật Bản – Ichimasa và công ty sản xuất lớn thứ ba – Sugiyo Co. Ltd đã đều tăng giá từ 5% đến 15% kể từ 01/03/2022. Nhà sản xuất lớn thứ tư, Kanesada Co., Ltd. có trụ sở tại thành phố Miyoshi, tỉnh Aichi cũng đồng thời tăng giá từ 8 đến 13%. Và công ty Fujimitsu đứng thứ năm, đã thực hiện một chiến thuật khác – chỉ thêm 100 yên (tương đương 0,76 USD, 0,71 EUR) vào hầu hết các mức giá, bắt đầu từ tháng 4.
Dữ liệu thị trường hàng tháng của Nissui có trụ sở tại Tokyo về xu hướng nhập khẩu surimi, dựa theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, đã cho thấy giá trung bình của sản phẩm này trong tháng 4 đạt khoảng 460 yên/kg (3,43 USD, 3,25 EUR), tăng 10% so với cùng kỳ năm trước đó, và cao hơn một nửa so với mức thấp gần đây với khoảng 305 yên/kg (2,28 USD, 2,16 EUR) trong tháng 2/2021. Giá đã tăng đáng kể từ lần tăng cuối vào tháng 11, với giá 380 yên/kg (2,84 USD, 2,69 EUR). Nguyên nhân tăng giá là do hạn ngạch khai thác cá minh thái ở biển Alaska thấp hơn, nhu cầu ở thế giới tăng và đồng yên mất giá.
Giá cả cũng phản ánh đồng yên suy yếu. Từ tháng 10/2021 đến 03/2022, đồng yên giao dịch trong biên độ hẹp từ 113 yên đến 114 yên đổi 1 đô la Mỹ. Nhưng kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố thắt chặt định lượng, trong khi Nhật Bản vẫn quyết định giữ lãi suất ở mức cực thấp, tỷ giá hối đoái đã tăng lên mức mới từ khoảng 130 đến 131 yên đổi 1 đô la Mỹ.
Nissui đã công bố vào ngày 28/05 vừa rồi rằng công ty dự định sẽ tăng giá sản phẩm chả cá kể từ 01/08 lên khoảng 5% đến 20%, phụ thuộc vào loại sản phẩm, và các sản phẩm đông lạnh khác cũng sẽ tăng từ 6% đến 20%.
Một phần nguyên nhân của tình hình trên bắt nguồn từ tác động của cuộc chiến Nga- Ukraine. Năm 2021, Nga là nước xuất khẩu lớn mặt hàng cầu gai, cá hồi đỏ và trứng cá minh thái Alaska sang Nhật Bản. Trong khi các mặt hàng này không bị cấm và chỉ phải chịu mức thuế cao hơn, việc Nga ngừng sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT khiến việc thanh toán trở nên phức tạp. Kết quả dẫn đến sự sụt giảm khối lượng nhập khẩu và giá cả leo thang cho những mặt hàng này.
Trứng cầu gai trong hộp nhỏ và vừa có giá gần gấp đôi tại Chợ Toyosu vào ngày 04/06, đồng thời cá hồi đỏ từ Nga tăng giá 16%. Một sản phẩm xuất khẩu chủ lực nữa của Nga là cua, tuy nhiên lại chưa vào đúng mùa vụ và không được bán trong phiên đấu giá.
Bên cạnh việc nhập khẩu giảm, lượng mực ống cập cảng trong nước cũng giảm, một phần do các ngư dân lớn tuổi nghỉ hưu không có người kế nghiệp, khiến năng suất giảm nên giá tăng. Cá cam nuôi của Nhật Bản cũng đang tăng giá do số lượng cá giống thả nuôi lồng ít, trong khi chi phí thức ăn tăng.
Một điểm sáng hiếm hoi đối với người tiêu dùng là nước ấm hơn ở Biển Nhật Bản đã mang lại sản lượng thu hoạch bội thu cá ngừ bonito và cá bơn, hiện được bán với giá thấp hơn.
Theo VASEP
Bài đọc thêm