Nhiều cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc

Hàn Quốc là đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. cũng đang là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt ở nhiều lĩnh vực…

Thị trường xuất khẩu tiềm năng

Hàn Quốc hiện đang giữ vị trí là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam; là đối tác ODA, du lịch, lao động lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba (sau Mỹ và Trung Quốc) với kim ngạch thương mại song phương đạt 78,1 tỷ USD trong năm 2021. Hàn Quốc dự kiến nâng kim ngạch thương mại với Việt Nam lên 100 tỷ USD vào năm 2023. Ngược lại, Việt Nam là trọng tâm trong chính sách hướng nam của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN khi kim ngạch thương mại của hai nước chiếm hơn 40% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại, trong đó có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, kim ngạch thương mại song phương tiếp tục tăng cao bất chấp tác động của dịch Covid-19 và bất ổn về kinh tế, chính trị gia tăng trên thế giới tác động tiêu cực đến kinh tế, thương mại. Trong 7 tháng 2022, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 13,9 tỷ USD, tăng 14,5%; nhập khẩu 37,28 tỷ USD, tăng 23,7%; nhập siêu từ thị trường này 23,38 tỷ USD. Các nhóm hàng xuất khẩu chính sang Hàn Quốc, gồm: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt, may; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; gỗ và sản phẩm gỗ; hàng thủy sản…

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2022 đạt trên 231 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam được đánh giá là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc chiếm thị phần áp đảo 45% trong khi các đối thủ khác (Canada chiếm 11%, Trung Quốc 8%, Ecuador 7%).

Hỗ trợ doanh nghiệp

Chia sẻ tại Tọa đàm “Thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc” diễn ra cuối tuần qua, ông Keang-Kido, đại diện Hiệp hội Xuất nhập khẩu Hàn Quốc khẳng định, đơn vị có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Hiện Hiệp hội Xuất nhập khẩu Hàn Quốc đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp không có năng lực về vốn và đã hình thành đặc khu cho các doanh nghiệp này. Theo ông Keang-Kido, phía Hàn Quốc hứa sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực mỹ phẩm, may mặc. Cụ thể, Hiệp hội Xuất nhập khẩu Hàn Quốc có thể cung cấp kinh nghiệm và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ hai lĩnh vực này cho các doanh nghiệp Việt.

Nhằm kết nối, hỗ trợ hợp tác, mới đây, đoàn công tác Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) cũng đã có buổi làm việc với tỉnh Bến Tre về vấn đề thu hút dòng vốn nước ngoài, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ phát triển các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; đề xuất hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Đặc biệt, hỗ trợ xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Bến Tre sang thị trường Hàn Quốc.

Tại Thông báo số 251/TB-VPCP ngày 19/8/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc, đối thoại với Đại sứ quán Hàn Quốc và các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng nêu rõ: các Bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động tìm giải pháp đa dạng hóa các sản phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa sang thị trường Hàn Quốc trong giai đoạn hiện nay, nhất là việc thúc đẩy thông qua các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhận định của Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, lạm phát cao gây ra rủi ro lớn về tỉ giá hối đoái và giá cả đã ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam. Cùng đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc trong thời gian gần đây và bất ổn địa chính trị tại một số nơi trên thế giới gây đứt gãy chuỗi cung ứng cũng sẽ tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước. Mặt khác, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Hàn Quốc tiếp tục là những trở ngại lớn, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam.

Theo đó, để có thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc, sản phẩm phải đảm bảo yếu tố chất lượng, hương vị; có sự ổn định trong sản xuất, chế biến, lưu thông; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn trong khâu chế biến, lưu thông. Điểm đặc biệt nhấn mạnh là chữ tín trong cam kết khi các doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam làm việc với nhau. Khi có chữ tín, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội đàm phán thuận lợi, giữ được đơn hàng dài lâu.

Theo Hải quan Online

 

Bài đọc thêm:

  1. Hàn Quốc tiếp tục tăng nhập khẩu bạch tuộc – 7 tháng đầu 2022
  2. Tôm chân trắng: 86,7% là xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc
  3. Lịch tàu tháng 8 từ TP HCM đi Hàn Quốc – Mega A Logistics
  4. JICA hỗ trợ doanh nghiệp kết nối nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản

Popular Posts

Back To Top