Nhiều cơ hội xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU

Việc EU cấp cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm với thuế suất 0% mở ra cơ hội để gạo Việt có lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng thêm 10 – 20 USD/tấn. Theo cơ quan thống kê của châu Âu, trong số các nguồn cung cấp gạo vào EU, giá gạo của Việt Nam tăng mạnh nhất, với mức tăng hơn 20%.

Theo cam kết trong EVFTA, EU cấp cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo một năm với thuế suất 0% và tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này đang mở ra cơ hội để gạo Việt có lợi thế cạnh tranh với gạo của các nước khác khi xuất khẩu vào thị trường này.

Năm 2021, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về trị giá so với năm 2020. Trong đó, một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường này. Đây là dòng gạo thơm hiện nay Việt Nam đang có thế mạnh để phát triển.

“Gạo thơm được miễn thuế 30.000 tấn, giảm được 175 Euro một tấn, tạo điều kiện cạnh tranh tốt hơn cho gạo Việt Nam. Thực tế năm 2021, chúng ta xuất khẩu được trên 60% của 30.000 tấn mà phía bạn cho chúng ta hạn ngạch. Do vậy chúng ta hoàn toàn có thể đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm vào EU”, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho biết.

Để nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, các doanh nghiệp không chỉ mạnh dạn đầu tư hệ thống kho chứa, nhà máy hiện đại, mà còn liên kết với các địa phương, xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao, chuyên xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu.

Việc gạo Việt Nam đang giữ vững vị thế của dòng gạo cao cấp trên thị trường quốc tế đã thúc đẩy xuất khẩu gạo nước ta tiếp tục đa khởi sắc, khi chưa đầy 2 tháng đầu năm năm 2022 đã mang về hơn 314 triệu USD, tăng hơn 36% về khối lượng và 19,6% về giá trị so với cùng kỳ.

“Bên cạnh lợi thế của hiệp định EVFTA, chúng ta cũng phải tự nâng cao chất lượng của hạt gạo Việt Nam cũng như thay đổi cách tiếp cận thị trường để chúng ta có thể chiếm lĩnh mở rộng thị phần được nhiều hơn nữa”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định.

Những tín hiệu từ thị trường sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội mới cho gạo Việt. Tiếp tục chiến lược tăng giá trị là hướng đi của ngành gạo trong thời gian tới, nhằm duy trì lợi thế chất lượng của gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Theo VTV.vn

Bài đọc thêm:

  1. Gạo Việt Nam ngày càng được thị trường EU ưa chuộng
  2. Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ V: Đưa gạo Việt Nam lên tầm cao mới
  3. Xuất khẩu gạo Việt Nam đón nhận tin vui cuối năm

Popular Posts

Back To Top