Chịu ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu đạt hàng triệu USD…
Sau khi nới lỏng giãn cách theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, xuất khẩu thủy sản đã nhanh chóng phục hồi và tăng mạnh vào quý cuối năm đưa kết quả xuất khẩu cả năm đạt kỷ lục 8,9 tỷ USD, tăng gần 6% so với năm 2020.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP P.RO, năm 2021, có gần 800 doanh nghiệp Việt Nam tham gia hoạt động xuất khẩu thủy sản. Trong đó, top 100 doanh nghiệp có doanh số từ 20 – 400 triệu USD, top này chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Minh Phu Seafood Corp) đạt doanh số trên 395 triệu USD, chiếm 4,44%, đứng đầu về xuất khẩu thủy sản và xuất khẩu tôm của cả nước. Tôm chân trắng chiếm khoảng 60% doanh số của Minh Phú, tôm sú chiếm 40%.
Năm 2021, sản phẩm tôm Minh Phú có mặt trên 40 thị trường trên thế giới, với những thị trường chủ lực, như: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Hà Lan…
Đứng thứ hai về doanh số xuất khẩu thủy sản là Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) với doanh số 317 triệu USD, chiếm 3,56% với thế mạnh là tôm chân trắng. Năm 2021, sản phẩm của STAPIMEX được xuất khẩu đi 25 thị trường, với những thị trường lớn, như: Mỹ, Canada, Bỉ, Đức, Israel…
Đứng thứ ba là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Vinh Hoan Corp) có doanh số xuất khẩu trên 276 triệu USD, chiếm 3,1%. Năm 2021 sản phẩm cá tra của Vĩnh Hoàn có mặt trên 36 thị trường trên thế giới và đạt tăng trưởng đột phá tại nhiều thị trường như Mỹ, Anh, Canada, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha…
Hai công ty tiếp theo là Minh Phú – Hậu Giang và Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau (CASES) với doanh số lần lượt là 249 triệu USD và 197 triệu USD…
Theo bà Lê Hằng, trong năm 2021, các doanh nghiệp thủy sản đã rất nỗ lực vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất vì Covid-19 vào quý 3, sau đó hồi phục nhanh chóng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cá tra, cá ngừ hầu như bứt phá rất mạnh vào quý 4, sau khi được nới lỏng giãn cách xã hội, nên nhiều doanh nghiệp đạt doanh số cao hơn giai đoạn trước đỉnh dịch. Các doanh nghiệp tôm lớn cũng đã hồi phục sản xuất, xuất khẩu trong quý 4 nhưng đa số chưa quay về mức như trước đỉnh dịch.
Trong tháng đầu năm 2022, tiếp tục đà tăng trưởng, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang tăng tốc thực hiện các đơn hàng. Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), năm 2022, dự kiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng trưởng tốt, trong đó mặt hàng chủ lực tôm Việt Nam sẽ tiếp tục tạo dấu ấn tốt do tôm là thực phẩm thơm, ngon, bổ dưỡng, tiện lợi nên nhu cầu thế giới tiếp tục ở trạng thái tốt.
Năm 2022, tôm Việt Nam cần xác định duy trì và giữ vững các thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU. Song song coi trọng thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada, Singapore… Năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số, xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định và có thể không có sự tăng trưởng đột phá.
Theo ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, năm 2022, có những thông tin đáng lưu ý đối với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm. Nếu tình hình dịch bệnh giảm thiểu, nhu cầu từ mảng dịch vụ sẽ hồi phục, sức cầu sẽ tăng tốt.
Bài đọc thêm: