Khi RCEP đi vào thực thi sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc tạo lập không gian và khung khổ thương mại mới…
Chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) sẽ đi vào thực thi tại 10 trong số 15 thành viên RCEP đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn nội bộ, bao gồm Australia, Brunei, Campuchia, Lào, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
So với các FTA ASEAN+ mà Việt Nam đã và đang thực thi, RCEP có gì khác biệt, thưa bà?
Là một FTA thế hệ mới, RCEP có những đặc điểm vừa giống lại vừa khác biệt so với các FTA giữa ASEAN và từng đối tác trong RCEP (hay còn gọi là FTA ASEAN+) mà chúng ta đã và đang thực thi.
Về phạm vi, RCEP không chỉ bao gồm các cam kết về thương mại hàng hóa (ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ, hải quan, phòng vệ thương mại…) như các FTA ASEAN+ mà còn có cam kết mở cửa mạnh thương mại dịch vụ, đầu tư. Đồng thời, RCEP cũng có các cam kết sâu trong những lĩnh vực mà các FTA ASEAN+ chỉ đề cập chung như sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, và cả những lĩnh vực mới chưa từng xuất hiện trong các FTA này như thương mại điện tử, mua sắm công, doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Từ góc độ tự do hóa, so với các FTA ASEAN+, trong RCEP các nước thành viên đưa ra mức cam kết mở rộng mạnh hơn, rộng hơn và tự do hơn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại dịch vụ, đầu tư.
Đặc biệt, RCEP lần đầu tiên thống nhất nhiều tiêu chuẩn ở mức tương đối cao giữa các nước thành viên trong những lĩnh vực đang ngày càng trở nên quan trọng như thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, các chuẩn đối xử đối với nhà tư… mà các FTA ASEAN+ hoặc là chưa đề cập, hoặc là mới chỉ ghi nhận chung chung.
Vậy, RCEP sẽ mang lại những cơ hội như thế nào cho doanh nghiệp Việt Nam, thưa bà?
Một RCEP bao trùm, với nhiều tiêu chuẩn, ưu đãi, cơ chế thống nhất giữa tất cả các nước thành viên mở ra một không gian chung, một thị trường với nhiều cơ chế ưu đãi, các quy tắc, chuẩn ứng xử thống nhất chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp của chúng ta hội nhập khu vực thuận lợi hơn là các FTA riêng rẽ trước đây. Hơn thế nữa, việc RCEP không loại trừ mà tồn tại song song cùng với các FTA trước đây giúp doanh nghiệp không mất đi các lợi ích đang có mà tạo thêm cho họ một lựa chọn nữa để kinh doanh hiệu quả với các đối tác trong khu vực.
Từ góc độ xuất nhập khẩu hàng hóa, với các cam kết trong RCEP, doanh nghiệp không chỉ có thêm một lựa chọn ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các thị trường RCEP mà khả năng tận dụng các ưu đãi này cũng sẽ được cải thiện hơn nhờ các quy tắc xuất xứ nội khối hài hòa, dễ đáp ứng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi, tiết giảm chi phí từ sự thống nhất trong các quy trình về hải quan, tạo thuận lợi thương mại và các biện pháp phi thuế quan trong RCEP.
Tất nhiên doanh nghiệp kinh doanh ở thị trường nội địa có thể phải đối mặt với nguy cơ sức ép cạnh tranh lớn hơn từ hàng hóa nhập khẩu theo RCEP. Mặc dù vậy, đây có lẽ không phải rủi ro quá lớn, nhất là trong giai đoạn đầu, bởi thị trường Việt Nam đã mở rất mạnh cho các đối tác RCEP từ các FTA trước đó và đã gần như hoàn tất lộ trình mở cửa trong khi RCEP mới chỉ bắt đầu.
Cũng liên quan tới sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, với việc loại bỏ tối đa các rào cản cho dòng lưu chuyển hàng hóa, trang thiết bị, nguyên vật liệu…giữa các nước thành viên vốn là các mắt xích quan trọng của nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, RCEP được đánh giá là cơ hội đặc biệt giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia nhiều hơn, sâu hơn và hiệu quả hơn vào các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ góc độ dịch vụ, đầu tư, các cam kết về bảo hộ và hạ thấp các rào cản tiếp cận thị trường trong RCEP là cơ hội để các doanh nghiệp dịch vụ và các nhà đầu tư của chúng ta tiến sâu hơn, thuận lợi hơn vào các thị trường tiềm năng trong khu vực (đặc biệt là trong các lĩnh vực như viễn thông, tài chính, xây dựng, phân phối, sản xuất nông nghiệp…). Ở thị trường trong nước, mở cửa theo cam kết RCEP có thể là sức ép hợp lý để gia tăng cạnh tranh, qua đó giúp doanh nghiệp sản xuất và người dân có thể tiếp cận các dịch vụ với chất lượng tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn…
Vậy, làm thế nào để doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa cơ hội từ RCEP và các Hiệp định Thương mại tự do, thưa bà?
So với doanh nghiệp ở nhiều nước thành viên RCEP, doanh nghiệp Việt Nam ít nhiều có lợi thế hơn do không phải bỏ ra thêm các chi phí tuân thủ những cam kết quy tắc tiêu chuẩn cao theo RCEP. Điều này xuất phát từ thực tế là Việt Nam đã thực thi các tiêu chuẩn bằng hoặc cao hơn RCEP theo các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hơn thế, doanh nghiệp Việt Nam thậm chí còn có thể được hưởng lợi từ các cam kết thống nhất này khi các đối tác RCEP thực hiện các chuẩn chung theo cam kết.
Cơ hội từ RCEP và các FTA với doanh nghiệp là rất đáng kể, nhất là trong bối cảnh hậu COVID-19 còn khó khăn nhiều bề và mỗi cơ hội giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, khôi phục sản xuất và phát triển đều là đặc biệt quý giá. Tuy nhiên, cũng như nhiều FTA, vấn đề với doanh nghiệp trong thực thi RCEP là làm thế nào để hiện thực hóa tốt nhất có thể, nhiều nhất có thể các cơ hội mở ra từ đây.
Sát sườn thì là câu chuyện doanh nghiệp phải biết được RCEP có gì lợi, có cam kết gì có thể tận dụng và điều kiện để được hưởng những lợi ích đó là gì. Vì thế, để tận dụng RCEP, doanh nghiệp chắc chắn cần tìm hiểu các cam kết RCEP liên quan tới mình hoặc trong những lĩnh vực, khía cạnh có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của mình.
Thông tin về RCEP không thiếu, từ các cơ quan bộ ngành đi đàm phán tới các hiệp hội doanh nghiệp đều có các thông tin liên quan. Bản thân Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI cũng có một chuyên mục riêng về cam kết RCEP và vừa mới biên soạn, xuất bản một cuốn Cẩm nang doanh nghiệp giới thiệu tóm lược về những cam kết cốt lõi về RCEP mà doanh nghiệp không thể bỏ qua… Vấn đề còn lại nằm ở sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tìm hiểu, nhận diện các cam kết có thể tận dụng, từ đó có hành động và sự chuẩn bị thích hợp, sẵn sàng cho việc tận dụng chúng.
Xin cảm ơn bà!