Những tác động trên toàn thế giới của việc Nga bị loại khỏi SWIFT

Việc Nga bị ngắt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, có thể ảnh hưởng đến thanh toán, thương mại giữa Nga và nhiều nước…

SWIFT là viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính liên ngân hàng toàn cầu. SWIFT được xem là một hệ thống nền tảng cho thương mại quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất hiện nay, với sự liên kết hơn 11.000 tổ chức tài chính trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có hơn 40 triệu tin nhắn với lệnh chuyển hàng tỷ USD được gửi đi mỗi ngày thông qua SWIFT.

Chính vì thế, theo các nhà phân tích, việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT không chỉ làm ảnh hưởng đến thanh toán của quốc gia này mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, theo Ngân hàng Nhà nước, các giao dịch thanh toán quốc tế tại Việt Nam hiện được chủ yếu xử lý qua Dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua hệ thống SWIFT và Dịch vụ chuyển tiền Western Union (WU) do các tổ chức tín dụng trong nước trực tiếp thỏa thuận, ký kết tham gia, hợp tác với các tổ chức quốc tế. Trong đó, việc xử lý qua hệ thống SWIFT là chủ yếu và chủ lực, bởi đây là hệ thống thanh toán toàn cầu hiện đại, nhanh chóng, độ bảo mật rất cao và chi phí thấp hơn các giao dịch thanh toán truyền thống khác.

Số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga (Bộ Công Thương) cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD, tăng 25,9% so với năm 2020 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Liên Bang Nga.

Theo đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN. Đồng thời, Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 5 của Nga trong các nền kinh tế APEC (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản).

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nga sang Việt Nam đạt 2,24 tỷ USD, tăng 38,3% (đứng thứ 39 trong số các đối tác thương mại của Nga). Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 4,89 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2020 (đứng thứ 12 trong các đối tác nhập khẩu chính của Nga). Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD trong năm 2021.

Về đầu tư, hiện số dự án Nga đầu tư vào Việt Nam là khoảng 150 dự án. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, Nga chiếm vị trí 25 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực năng lượng.

Hiện nay, Việt Nam có ngân hàng duy nhất là Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) có giấy phép tham gia kênh thanh toán riêng sang Nga, cung cấp dịch vụ chuyển tiền song phương trực tiếp Việt – Nga, giúp các khách hàng và doanh nghiệp thực hiện các kênh thanh toán quốc tế giữa 2 nước trong nhiều năm qua.

Vì thế, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, một khi Nga bị bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, xuất nhập khẩu chính ngạch của Việt Nam – Nga sẽ bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp có quan hệ xuất nhập khẩu chính ngạch với Nga sẽ gặp nhiều khó khăn trong thanh toán.

Tuy nhiên, với góc nhìn từ phía ngân hàng, đại diện ngân hàng OCB cho hay, Nga bị loại ra khỏi SWIFT thì sẽ rất khó khăn, nhưng không phải không có cách để thay thế, chẳng hạn như có thể sử dụng thông qua blockchain. Tuy nhiên, khi chuyển đổi phương thức thanh toán, các ngân hàng phải thiết lập lại hệ thống trao đổi mã hoá hai chiều với nhau. Nhưng vị này cũng nhìn nhận, với mức độ phát triển của ngân hàng tại Nga thì có thể thích ứng nhanh chóng, giúp giao dịch được trở lại.

Theo haiquanonline

Bài đọc thêm:

  1. Nguy cơ tái ùn tắc xe chở nông sản lên cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn
  2. Lạng Sơn: Nông sản xuất Trung Quốc lại có dấu hiệu ùn tắc sau Tết
  3. Hơn 300 xe nông sản được xuất khẩu qua Lạng Sơn trong dịp Tết
  4. Cửa khẩu Lạng Sơn lại tiếp tục rơi vào tình trạng báo động “đỏ”

Popular Posts

Back To Top