Mô hình sản xuất rau thuỷ canh này tại Hà Nội có thể giảm được 90% nước tưới, 60% nhân công và hiệu quả gấp 2 – 3 lần rau truyền thống…
HTX nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội có diện tích 2,5 ha rau thủy canh trong nhà màng.
Anh Nguyễn Mạnh Hồng – Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát cho biết: “Thủy canh là kỹ thuật trồng cây trong dung dịch dinh dưỡng, hay được gọi là trồng cây trong nước hoặc trồng cây không cần đất, nên hạn chế tối đa các mầm bệnh, sinh vật gây hại đến cây trồng”.
Trong điều kiện nguồn dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ, rau sẽ phát triển nhanh và cho năng suất cao gấp đôi so với sản xuất theo phương pháp thổ canh truyền thống.
“Quá trình sinh trưởng của cây rau, ngoài việc theo dõi, tỉa lá già, lá úa, ngày nào tôi cũng kiểm tra dinh dưỡng, quan sát sự phát triển của chúng, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Trồng rau thủy canh trong nhà lưới ít xảy ra sâu bệnh hại nên hầu như không phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật. Trang trại rau thủy canh của gia đình tôi đạt tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2018”, anh Hồng cho biết.
Nước dinh dưỡng này được bơm tưới thẳng vào rễ cây theo chế độ tự động và theo 16 khung giờ mỗi ngày, mỗi khung giờ kéo dài 30 phút tuỳ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của cây.
Theo anh Hồng, trồng rau thủy canh thành công hay thất bại phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ thuật pha chế nước dinh dưỡng, tức là hòa phân bón vào nước để rau hút hấp thụ. Anh sử dụng các loại phân bón đa lượng, vi lượng và trung lượng hòa tan trong nước.
Bà Trần Thị Nhâm làm việc tại HTX 5 năm chia sẻ: “Mô hình sản xuất rau thuỷ canh hiện đại, rau đảm bảo sạch và đạt sản lượng cao hơn nhiều so với trồng rau truyền thống”.
Trung bình 1 năm HTX nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát thu hoạch được hơn 7 tấn rau các loại xà lách, cải ngọt, rau muống, dưa leo… Được biết HTX hiện đang có 5 lao động thường xuyên với mức lương trung bình 7 triệu đồng/tháng.
Liên tục kiểm tra bẫy dính nhằm phát hiện và tiêu diệt một số loài sinh vật gây hại trong nhà màng, anh cho biết, bẫy dính giúp phát hiện sâu bệnh ở giai đoạn sớm và sau đó sử dụng các biện pháp sinh học để chống lại chúng. Điều này ngăn chặn các ứng dụng không cần thiết của hóa chất.
“Hiện tại nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, chúng tôi sản xuất thêm dưa lưới trong nhà màng. Tính trung bình với diện tích 1.000m2 trồng được 2.200 cây thu được khoảng 2,4 tấn dưa lưới mang lại lợi nhuận 70 triệu đồng/vụ”, anh Hồng vui vẻ chia sẻ.
Theo Báo NNVN
Bài đọc thêm:
- Rừng ngập mặn Cà Mau có 19.000ha tôm rừng đạt chuẩn quốc tế
- Làm sao để rau quả Việt xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc?
- Bắt quả tang đối tượng sản xuất và bán thuốc bảo vệ thực vật giả
- Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc: Nguy cơ vẫn tắc đến hết năm
- EU cảnh báo Việt Nam thiếu quy định về cấm Ethylene Oxide (EO)
- Agenda hội nghị FIATA World Congress 2022 tại Busan, Hàn Quốc