Nông sản miền Tây và gánh nặng chi phí về logistics

Miền Tây xuất nhập khẩu hàng chục triệu tấn hàng hóa mỗi năm, song thiếu các trung tâm logistics cùng hệ thống khiến phí vận tải tăng 10-40%.

  • Tới 70% lượng hàng hóa này phải truyền tải đến các cảng lớn ở TP HCM và cảng Cái Mép,
  • Khu vực ĐBSCL chỉ chiếm 4% số lượng doanh nghiệp ligistics cả nước.

Thông tin này được đưa ra tại Diễn đàn Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức tại Cần Thơ ngày 26/5.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước…

Vùng đất này có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, vùng còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, bãi container rỗng cũng như các cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu.

“Do đó, có tới 70% lượng hàng hóa này phải truyền tải đến các cảng lớn ở TP HCM và cảng Cái Mép (Bà Rịa Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn 10-40%, tùy theo từng chuyến, ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh”, ông Công nói.

Theo Ban tổ chức Diễn đàn, Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chỉ chiếm hơn 4% số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này trên cả nước. Tuy nhiên, phần lớn các dịch vụ logistics ở miền Tây chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ, thiếu chuyên nghiệp, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các phương thức vận tải, nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao.

Chi phí logistics đang ở mức cao nhất và chiếm đến 30% giá thành sản phẩm, khiến nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước trong khu vực và Trung Quốc…

Ông Hoàng Hồng Giang – Phó cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết miền Tây có 12 cảng biển nhưng chỉ đạt khoảng 50% công suất. Cụ thể, theo quy hoạch, năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua của đồng bằng sông Cửu Long 45-50 triệu tấn với khoảng 500.000 container mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế thấp hơn rất nhiều. Năm 2019 đạt 21 triệu tấn, năm 2020 là 22,9 triệu tấn, năm 2021 số lượng hàng hóa có giảm xuống còn 21 triệu tấn (do ảnh hưởng dịch Covid-19).

Ông Giang chỉ ra điểm yếu của miền Tây là hạ tầng cảng biển phân tán, quy mô nhỏ, đặc biệt cảng trong sông chưa đáp ứng nhu cầu vận tải biển trung và xa, hiệu quả khai thác chưa cao. Hạ tầng đường bộ quy mô nhỏ, cấp đường hạn chế, do đó vận tải đường bộ chưa hiệu quả về thời gian, chí phí; thiếu các trung tâm tiếp vận…

Từ các phân tích trên, các chuyên gia, nhà quản lý nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù là trung tâm lớn trong sản xuất nông nghiệp của cả nước, nhưng chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đang là một nút thắt, cản trở sự tăng trưởng kinh tế của vùng, cần có những giải pháp kịp thời tháo gỡ.

Theo ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long đang được đặc biệt quan tâm. Dự kiến trong 3-5 năm nữa sẽ có cao tốc thông suốt từ TP HCM tới Cần Thơ, rồi Cà Mau, Châu Đốc (An Giang). Luồng Định An sẽ được nạo vét; Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cấp vùng hình thành. Đó sẽ là “thời cơ vàng” cho vùng đất này, đặc biệt là cho ngành logistics và cảng biển bứt phá.

Quan tâm đến vấn đề này, ông Phạm Tiến Hoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang cho rằng, để nông sản miền Tây có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và vươn tầm thế giới, bắt buộc phải hình thành các Trung tâm logistics chuyên cho nông sản với tiêu, giảm được chi phí logistics từ 30% xuống còn 15% giá thành sản phẩm.

“Tại những trung tâm này sẽ có tất cả dịch vụ để phục vụ và hỗ trợ cho các loại nông sản từ khâu thu mua đến phân loại, lựa rửa, đóng gói, chiếu xạ tiệt trùng, bảo quản lạnh cho đến thông quan xuất khẩu”, ông Hoài nói và cho rằng để phát triển được cần có những chính sách hỗ trợ đặc biệt từ chính quyền địa phương và chính phủ cho bốn nhà: nhà nông, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và nhà đầu tư.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng cần phải sử dụng, đầu tư hiệu quả, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như dịch vụ vận tải, logistics đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về dịch vụ logistics và vận tải…

Còn theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để phát triển logistics đồng bằng sông Cửu Long, cần tận dụng lợi thế nguồn hàng hóa nông sản, tăng cường liên kết vùng. Tạo điều kiện thông thương hàng hóa nông sản là vấn đề cấp bách, để giúp kinh tế vùng phát triển nhanh hơn bằng lợi thế vốn có.

Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch, tập trung vào quy hoạch logistics toàn vùng, đặc biệt là hoạt động đầu tư của các dự án, thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng và cải tạo, nâng cấp các luồng tàu biển chính trong khu vực…

Theo VASEP

Bài đọc thêm

  1. Bàn giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp
  2. Chi phí logistics tiếp tục là thách thức cho xuất khẩu quý 2
  3. Kéo giảm chi phí logistics, thúc đẩy xuất khẩu lấy đà trở lại

Popular Posts

Back To Top