Nhằm giảm kháng sinh trong chăn nuôi, DTH farm ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội đã sử dụng thuốc nam trong nuôi dê và mang lại hiệu quả cao…
Sử dụng thuốc nam chăn nuôi dê chất lượng cao
Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng trại được đầu tư quy mô khá lớn, anh Nguyễn Văn Hoàng, chuyên gia kỹ thuật của DTH FARMT cho biết: Mô hình cho dê ăn thuốc nam được DHT tự nghiên cứu, đúc kết từ kinh nghiệm thực tế. Dê có thể mắc nhiều loại bệnh. Bên cạnh việc sử dụng vacxin, với một số bệnh thông thường, chúng ta có thể sử dụng những bài thuốc nam để điều trị nhằm giảm chi phí chăn nuôi.
“Sử dụng thuốc nam sẽ giúp giảm hàm lượng kháng sinh trong chăn nuôi. Nếu hàm lượng kháng sinh quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng dê bị kháng kháng sinh, trị bệnh rất khó. Mặt khác, người tiêu dùng giờ có tiền, muốn mua sản phẩm sạch. Câu chuyện không phải là rẻ nữa mà thực phẩm phải ngon và sạch, hạn chế kháng sinh. Vì thế nên muốn phát triển lâu dài, bền vững thì bắt buộc phải tìm cách đáp ứng theo yêu cầu của thị trường”. Anh Hoàng chia sẻ.
Từng bệnh có bài thuốc riêng. Các hộ dân mua dê giống đều được chuyển giao các bài thuốc này. Có hơn chục bài thuốc chính, trị những bệnh thông thường. Có những bệnh có thuốc đặc trị riêng. Có những bệnh có lá thuốc phối trộn với nhau.
Hiện DTH FARMT đã nghiên cứu, đúc kết được hơn chục bài thuốc nam đặc trị một số loại bệnh thông thường. Chẳng hạn, đặc trị tiêu chảy dùng lá có chất chát. Với bệnh phổi dùng các loại cây như bạc hà, bồ kết để xử lý. Bệnh nhuận tràng hoặc dê trong quá trình sinh sản cần hỗ trợ để co bóp tử cung dùng một số loại như rau ngót, tía tô… Có những bệnh phải phối trộn một số loại lá thuốc với nhau.
“Dùng thuốc nam để điều trị bệnh thông thường cho dê cũng tương tự như dùng thuốc đông y cho người. Quan trọng là hàm lượng và thời điểm sử dụng. Chúng tôi xác định muốn thành công phải có lối đi riêng, chấp nhận trả học phí và rút kinh nghiệm dần dần”, anh Hoàng nói.
Để chủ động nguồn dược liệu, DTH FARMT đã đầu tư gần 3 – 4ha trong khuôn viên trang trại để trồng đa dạng cây thuốc nam, trong đó có nhiều cây bản địa. Đồng thời, trồng ở nhiều hộ vệ tinh khác để tránh tình trạng bị động khi trồng chung một chỗ, có thể bị hỏng hết nếu gặp khí hậu, môi trường khắc nghiệt.
Những lưu ý khi nuôi dê
Anh Hoàng cũng lưu ý khâu vắc xin đối với bà con bắt giống. Con dê có đặc điểm dễ mắc bệnh tụ huyết trùng, một loại bệnh có thể chết rất nhanh. Khi chuyển vùng, bà con không tiêm phòng lúc về, dê hay bị bệnh đó hoặc bệnh chướng hơi, bị chết rất nhanh. Chính vì vậy, khi nhập con giống bà con cần đặc biệt kiểm tra hồ sơ tiêm phòng của dê để biết ngày sinh (khoảng bao nhiêu tháng tuổi), đã tiêm những loại vắc xin gì, bao giờ phải tiêm nhắc lại…
Trong quá trình chăn nuôi không tránh khỏi chuyện dê bị bệnh, ốm đau. Khi đó bà con muốn tiêm chữa bệnh con nào phải theo dõi hồ sơ. Quá trình điều trị, số mũi tiêm, đã điều trị hay chưa đều có trong hồ sơ đó hết.
Để đảm bảo chất lượng trong chăn nuôi, DTH ARMT đúc rút ra một số nguyên tắc sau: Nguyên tắc chuyển vùng, nguyên tắc nhập vùng, nhập cám, chuyển cám, chuyển cỏ… Phải chuyển đổi dần dần để dê thích ứng chứ không phải một lúc chuyển đổi ngay được. Có những hộ dân bắt dê đang ở trong môi trường khép kín, nhưng về lại nghĩ đơn giản, thả ra cho khỏe hoặc giảm chi phí, thực ra dê lại bị sốc, một số con không thích ứng được.
“Quá trình tiếp xúc với các hộ dân ở nhiều địa phương, chẳng hạn như bà con ở khu vực rừng núi, chúng tôi thấy bà con còn có rất nhiều bài thuốc nam, bí quyết riêng rất hay để học hỏi. Chúng tôi đã và vẫn đang cố gắng học thêm từng ngày, học từng giờ, đúc kết kinh nghiệm rồi lại về phổ biến cho các bà con khác. Bởi các bệnh của dê cũng biến đổi hàng ngày, xuất hiện nhiều biến thể mới, cần phải tìm phương pháp để khắc phục”, anh Hoàng bộc bạch.
Nhấn mạnh nhiều lần mong muốn của DTH FARMT trong mục tiêu xây dựng nên một hệ thống chuỗi cung cấp giống và tiêu thụ dê sạch, anh Hoàng tâm sự rất cần sự hợp tác từ bà con nông dân. Bởi để có dê sạch câu chuyện là phải có sự nỗ lực từ cả hai bên gồm trang trại cung cấp dê giống, tiêu thụ dê thương phẩm và các hộ chăn nuôi. Bà con phải xác định chăn nuôi nông nghiệp cần sự kiên trì, kỷ luật tuân thủ quy trình kỹ thuật đã được chuyển giao để tránh sai sót, rủi ro không đáng có.
Theo Báo NNVN
Bài đọc thêm:
- Vùng cao phát triển chăn nuôi đại gia súc và hàng hóa quy mô lớn
- Vận chuyển trái phép lợn qua biên giới gia tăng và cần phải được xử lý
- Sầu riêng, cơ hội, thách thức – Một HTX nông nghiệp số đầu tiên
- Agenda hội nghị FIATA World Congress 2022 tại Busan, Hàn Quốc
- Giới thiệu sách: Cẩm nang đầu tư tại Quảng Đông năm 2022
- Giới thiệu sách: Thị trường Thủy sản Bắc Âu (Bộ Công Thương)