Ô nhiễm trầm trọng và thực trạng xuống cấp ở cảng cá tại Nghệ An

Ngư dân xả rác sau mỗi chuyến đi biển khiến môi trường ở cảng cá ô nhiễm ngày càng trở nên trầm trọng, bên cạnh đó là hạ tầng xuống cấp…

Nghệ An có 3.422 tàu cá, tập trung chủ yếu ở một số xã thuộc các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thị xã Hoàng Mai… Hiện nay, tình trạng ô nhiễm, xuống cấp ở các cảng cá khá phổ biến và rất đáng báo động.

Ô nhiễm nặng

Phần lớn các cảng cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều bị ô nhiễm với mức độ khác nhau. Điển hình nhất như tại cảng cá Lạch Quèn ở huyện Quỳnh Lưu và cảng cá Lạch Vạn ở huyện Diễn Châu mức độ ô nhiễm rất đáng sợ. Đến 2 cảng cá nói trên, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, khó chịu. Quan sát quanh khu vực cảng cá, phía dưới mặt nước đầy rẫy đủ loại rác thải trôi nổi bập bềnh trên mặt nước. Nguyên nhân chủ yếu, theo bà con ngư dân cho biết, rác thải từ nơi khác trôi về và cả rác thải từ các tàu cá xả xuống.

Ông Nguyễn Văn Dần, một ngư dân ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu cho biết: Hiện nay, tàu thuyền ra khơi đánh bắt ở địa phương hầu hết không có dụng cụ chứa rác thải, nên tất cả rác thải sinh hoạt của các thuyền viên đều vứt xuống biển. Khi về đến cảng cá, sau khi bốc dỡ hải sản, họ phải vệ sinh tàu thuyền, bao nhiêu rác thải từ túi nilon, lon bia, bao bì các loại… đều tuồn xuống nước. Đặc biệt đối với loại tàu cá công suất lớn, mỗi chuyến đi biển có từ 10 – 15 thuyền viên, lại hoạt động dài ngày trên biển nên lượng rác thải càng nhiều và họ cứ vô tư vứt xuống biển, vứt xuống ngay tại cảng cá.

Cứ như thế, từ ít góp thành nhiều, từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác, rác được tích tụ lại thành hàng chục, hàng trăm tấn trôi dạt khắp nơi, vây quanh cảng cá. Đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển, làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cộng đồng dân cư ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Ước, Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu cho rằng, hiện nay các cảng cá trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư xây dựng và có ban quản lý hoạt động. Nhưng trong khu vực cảng cá vẫn bị ô nhiễm nặng do ngư dân thiếu ý thức, vô trách nhiệm, tự do vứt bừa bãi các loại rác thải xuống sông, xuống biển. Nhất là sau mỗi chuyến đi đánh bắt về, hàng trăm tàu thuyền sau khi bốc dỡ hải sản, vệ sinh tàu thuyền thì bao nhiêu rác thải ở trên tàu đều được vứt bỏ hết xuống biển.

UBND xã biết và thường xuyên nhắc nhở, nhưng vẫn không hạn chế được tình trạng ô nhiễm cảng cá, ngược lại tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Theo ông Ước, để hạn chế tình trạng này, ngoài sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, nhà nước cần có giải pháp quy định cụ thể về việc đảm bảo vệ sinh môi trường ở các cảng cá. Trên cơ sở đó, chính quyền các địa phương chỉ đạo thực hiện.

Còn theo ông Phan Tiến Dương, Giám đốc Cảng cá Nghệ An, mặc dù ban quản lý cảng cá tích cực trong việc chỉ đạo vệ sinh môi trường tại khu vực trong và xung quanh cảng cá. Nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cảng cá vẫn xẩy ra. Nguyên nhân là do ngư dân cố tình vứ bỏ rác xuống các cửa sông, xuống biển…, rất khó xử lý một cách triệt để. Theo ông Dương, nhà nước cần có giải pháp bắt buộc ngư dân phải có trách nhiệm thu gom rác thải trong quá trình đánh bắt hải sản để bảo vệ môi trường chung trên biển thì mới mong có cơ chế, chế tài để xử lý, kiểm soát vấn nạn này.

Bất cập hạ tầng cảng cá

Một trong những vấn đề mà ngư dân băn khoăn hiện nay là hạ tầng cơ sở vật chất của một số cảng cá chưa đảm bảo, gây khó khăn trong việc neo đậu tàu thuyền và bốc dỡ hải sản. Tại cảng cá Lạch Quèn, khu vực cầu cảng và cảng cá không có mái tôn che mưa che nắng, gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngư dân và thương lái trong việc thu mua, sơ chế hải sản.

Không những thế, nhiều cửa lạch đã bị đất, cát bồi lắng làm cản trở dòng chảy, tàu thuyền ra vào khó khăn, nhất là các tàu thuyền lớn không thể ra vào được. Chính quyền xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu cho biết, do Lạch Vạn bị đất cát bồi lắng, nên toàn bộ tàu thuyền có công suất lớn trên địa bàn xã không thể vào bến neo đậu được, mà phải vào tận cảng Cửa Hội thuộc Thị xã Cửa Lò để neo đậu, gây tốn kém cho ngư dân.

Theo Báo NNVN

 

Bài đọc thêm:

  1. TQ ra thông báo mới về test covid-19 ở chuỗi thực phẩm lạnh NK
  2. Từ cuối 2019, Quảng Ninh chưa được cấp thêm mã số vùng trồng
  3. Làm sao để rau quả Việt xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc?
  4. An toàn thực phẩm – chìa khóa tiếp cận mọi thị trường quốc tế
  5. Có hiện tượng găm hàng, thương lái rục rịch tăng giá sầu riêng

Popular Posts

Back To Top