Theo nghị quyết 07/2022/NQ-HĐND, TPHCM từ ngày 1/8 sẽ giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển đối với một số loại hàng hóa và container cụ thể…
Tại buổi tiếp, ông Pradeep Deviah- Chủ tịch Tập đoàn PDA Ventures đã thông tin về việc phối hợp với các hiệp hội và Công ty Vietfair của Việt Nam tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Quốc tế về xúc tiến đầu tư tại Việt Nam, dự kiến diễn ra trong tháng 3 hoặc tháng 4/2023, tại Hà Nội.
Chủ tịch Tập đoàn PDA Ventures nhấn mạnh: Nhiều nhà đầu tư đánh giá tốt về môi trường đầu tư của Việt Nam. “Thông qua sự kiện, tập đoàn sẽ mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng đến với Việt Nam. Vì vậy mong muốn Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và các đơn vị hữu quan của Bộ Công Thương tạo điều kiện thuận lợi cho tập đoàn tổ chức thành công sự kiện”, ông Pradeep Deviah bày tỏ.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay: Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm đến đầu tư nước ngoài. Đây là 1 trong 3 trụ cột phát triển nền kinh tế của Việt Nam. Trong năm 2022, dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp nhưng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn mong đợi sẽ đạt 38,5 tỷ USD.
Việt Nam hiện đã chuyển sang giai đoạn mới trong kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài và có sự chọn lọc hơn đối với các ngành nghề, đối tác. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt zero cacbon vào năm 2050, do vậy có sự điều chỉnh nhất định trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Bộ Công Thương hoan nghênh đề xuất của PDA Ventures tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Quốc tế về xúc tiến đầu tư tại Việt Nam và kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư trên khắp thế giới. “Là một cơ quan của Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương sẵn sàng ủng hộ và phối hợp với đơn vị đầu mối trong việc tổ chức sự kiện này”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Đồng thời cho biết thêm, dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, tập đoàn và các đối tác cần thúc đẩy nhanh chóng các thủ tục để sự kiện diễn ra đúng kế hoạch và nên có sự kết hợp giữa xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, thậm chí cả xúc tiến du lịch.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng cũng bày tỏ: Việt Nam rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng, chuyển đổi năng lượng, sản xuất công nghiệp xanh, mong muốn phía PDA Ventures lưu ý trong kêu gọi nhà đầu tư tham dự diễn đàn.
Ấn Độ là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Nam Á và là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 23 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ.
Trong những năm qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ chứng kiến sự tăng trưởng tích cực, tăng 3,5 lần trong vòng 10 năm (từ 2,7 tỷ USD năm 2010 lên 9,6 tỷ USD năm 2020). Tốc độ tăng trưởng thương mại bình quân hàng năm đạt gần 16%.
Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt 13,2 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch song phương đạt 7,7 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 4 tỷ USD, tăng 39%, kim ngạch nhập khẩu đạt 3,7 tỷ USD, tăng 8%.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ tập trung vào nhóm hàng chế biến, chế tạo (sản phẩm công nghệ, điện tử, máy móc, thiết bị, linh kiện); nhóm hàng nông thuỷ sản (cao su, hạt tiêu, hạt điều); vật liệu xây dựng (sắt thép và sản phẩm từ sắt thép).
Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu là sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất, xuất khẩu, bao gồm: Nguyên phụ liệu dệt may, chất dẻo nguyên liệu, hoá chất, sắt thép các loại, hàng thuỷ sản.
Theo Báo Công Thương
Bài đọc thêm:
- Khởi động chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu
- Hiệp định của WTO thúc đẩy nỗ lực vì một đại dương bền vững
- Nhiều điểm khó khăn để xuất khẩu nông sản Việt Nam qua Thụy Sĩ
- Việt Nam – Peru: Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư
- Trung Quốc tố Mỹ chèn ép chuỗi cung ứng toàn cầu sau lệnh cấm