- Áp lực của lãnh đạo trong công cuộc giải quyết những điểm chưa hợp lí trong chuỗi cung ứng.
- Đẩy nhanh việc hoàn thiện Luật Phát triển công nghiệp.
Những “khoảng trống” bất thường
Ngày 8/4 năm trước, Quốc hội phê chuẩn bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Gần như ngay lập tức, Chính phủ nhiệm kỳ mới phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư với biến thể Delta có mức độ lây nhiễm khủng khiếp.
Trong lúc cả hệ thống chính trị căng mình chống dịch, trách nhiệm của người đứng đầu chịu áp lực rất lớn. Đã có nhiều lãnh đạo cấp huyện, xã, cấp sở, phòng bị phê bình, thậm chí bị tạm đình chỉ công tác do không cắt đứt được chuỗi lây nhiễm, để dịch bùng phát. Hệ quả là, nhiều nơi chấp hành “cao hơn một mức” quy định của cấp trên, hoặc tự đặt ra những quy định mới, khiến giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng có thời điểm bị gián đoạn.
Mặc dù vậy, khi tổng kết hiệu quả chống dịch, Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng “Theo tôi, có 2 cái được lớn nhất là không để nguồn cung hàng hóa thiết yếu gián đoạn và kiểm soát được giá trên thị trường. Nhưng, cái được lớn hơn là qua hoạt động hỗ trợ đảm bảo hàng hoá thiết yếu cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, ngành Công Thương đã nhận diện được những nguy cơ, thách thức đối với các chuỗi cung ứng, từ đó xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh”.
Quả thực, khi nhìn lại thời điểm đó, ngày 17/7/2021 khi xuất hiện thông tin người dân ở TP. HCM đổ xô tới siêu thị, điểm mua sắm để tích trữ hàng hoá khi các chợ đầu mối và chợ truyền thống bắt đầu bị đóng cửa, thì trong cùng ngày, một quyết sách tức thì được Bộ Công Thương đưa ra: thành lập Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP. HCM và các tỉnh phía Nam; thành lập Tổ Công tác Đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương.
Sự xuất hiện của Tổ Công tác tại điểm nóng nhất của dịch bệnh đã cho phép phát hiện kịp thời hàng loạt những “khoảng trống” của chuỗi cung ứng phục vụ phòng chống dịch, như không có sự thống nhất giữa các địa phương về điều kiện vận chuyển an toàn, gây nên sự ách tắc hàng lương thực, thủy hải sản, thịt, rau củ quả từ các tỉnh về TP. Hồ Chí Minh; nhiều kênh phân phối ở TP. Hồ Chí Minh bị quá tải, do một số lao động là F0, F1, F2; hay khả năng cung ứng của các tỉnh xung quanh TP. Hồ Chí Minh bị hạn chế cục bộ do người thu hoạch bị cách ly, khu vực thu hoạch bị phong tỏa.
Để lấp đầy “khoảng trống” chuỗi cung ứng trong điều kiện bất thường, bên cạnh sự phối hợp của Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, của Tổ Công tác với địa phương, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã tham mưu soạn thảo gửi 51 văn bản cho địa phương và bộ, ngành để cùng nhau phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều văn bản mang tính quyết định cho việc giải tỏa ách tắc hàng hóa, như công văn hỏa tốc số 4482 ngày 27/7/2021 gửi Thủ tướng, kiến nghị không xây dựng danh mục hàng hóa thiết yếu mà cho phép lưu thông hàng hóa bình thường, ngoại trừ hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh; công văn số số 4580 ngày 30/7/2021 đề nghị UBND cấp tỉnh “bổ sung đối tượng lao động trong các ngành vận tải và logistics” là đối tượng tiêm vắc xin như lực lượng tuyến đầu chống dịch; công văn 4922 ngày 14/8/2021, kiến nghị Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương mở luồng xanh cho vận tải thủy – một phương thức vận chuyển thóc gạo chủ yếu bị ách tắc do trước đấy mới quan tâm đến mở luồng xanh cho vận tải bộ…
Trước đó, phát hiện “khoảng trống” trong chuỗi cung ứng cho sản xuất khi nhiều địa phương chờ hướng dẫn sản xuất trong thời gian dịch bệnh, ngày 9/6/2021, Bộ Công Thương có văn bản số 3319 đề nghị UBND cấp tỉnh chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống bùng phát dịch bệnh, thực hiện phân vùng sản xuất, điều chỉnh phân ca sản xuất; chủ động đề xuất ưu tiên tiêm vắc – xin cho công nhân tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp.
Công văn 3319 vừa là hướng dẫn, vừa là trao quyền cho cơ sở chủ động khai thông bế tắc, vừa đảm bảo sản xuất, vừa an toàn chống dịch. Sau công văn 3319, các tỉnh không chờ “tín hiệu” từ trên nữa, mà chủ động khảo sát, xác định những khó khăn và nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp trở lại làm việc.
Với sự chủ động của các địa phương, chuỗi cung ứng được duy trì liên tục, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2021 tăng 4,82% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, đồng thời tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 14,60 tỷ USD, chiếm 60,2% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.
Làm đầy một cách căn cơ
Những “khoảng trống” của chuỗi cung ứng tiêu dùng và sản xuất sinh ra trong điều kiện dịch bệnh, nhưng từ đó cũng gợi ra rằng, sự bất định của chuỗi cung ứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào với một đất nước có độ mở ngoại thương trên 200% GDP như nước ta. (Trên thực tế, trong con số 2,1% lạm phát 4 tháng đầu năm nay, có tới 1,67% tức chiếm 79,5% đến từ sự tăng cao của giá năng lượng và các loại vật tư chiến lược).
Vì thế, từ một năm nay, Bộ Công Thương có nhiều văn bản yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, dịch bệnh Covid-19, cuộc chiến Nga-Ukraine gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu, khí đốt, và một số loại vật tư chiến lược cho thấy sự phát triển công nghiệp của mỗi quốc gia đặc biệt cần thiết.
Công nghiệp phát triển, không chỉ duy trì chuỗi cung ứng sản xuất trong một thế giới đầy biến động, mà còn lấp đầy những “khoảng trống” của khu vực dịch vụ. Cụ thể, bán buôn, bán lẻ là dịch vụ mua bán hàng hóa do các ngành công nghiệp sản xuất ra; logistics, vận tải, kho bãi cũng không thể phát triển nếu không có hoạt động trao đổi hàng hoá tạo ra bởi các ngành sản xuất.
Điều tương tự cũng xảy ra với ngành kinh doanh bất động sản – ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn (đóng góp khoảng 10% GDP), hoạt động mua và bán bất động sản, như căn hộ hay tòa nhà, là sản phẩm được tạo nên từ các mặt hàng của ngành sản xuất (sắt thép, đồ nội thất…). Ngay cả y tế hay du lịch cũng đều là hoạt động sử dụng và tiêu dùng các sản phẩm của ngành sản xuất công nghiệp.
Ngân hàng, tài chính, bảo hiểm – những ngành dịch vụ mà nhiều người cho rằng không liên quan đến sản xuất, nhưng một cách gián tiếp, phụ thuộc mạnh mẽ vào mức độ hoạt động của công nghiệp để phát triển.
Cuối cùng, các ngành dịch vụ chuyên môn (như tư vấn, nghiên cứu triển khai, giáo dục đào tạo…) cũng phần lớn hướng đến đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp. Hoạt động công nghiệp càng phát triển thì nhu cầu về trình độ lao động, về nghiên cứu càng lớn, và ngược lại.
Do đó, có thể nói, phát triển một nền công nghiệp tự chủ (tương đối) là nhu cầu bức thiết nhất với một nước có hoạt động ngoại thương mở, và một trong những nhiệm vụ căn bản của cơ quan quản lý Nhà nước là phát hiện, lấp đầy những “khoảng trống” của chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm