Phát Triển Bao Trùm Là Gì?

[Hỏi Đáp Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Và Nông Thôn Bền Vững Giai Đoạn 2021 – 2030. Tầm Nhìn Đến 2050]

Ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ đề 1: Phát Triển Bao Trùm Là Gì? Vai Trò Của Việc Phát Triển Bao Trùm Với Sự Phát Triển Nông Thôn?

Sau nhiều năm thuật ngữ “phát triển bền vững” trở thành trung tâm của định hướng và hoạch định chính sách phát triển trên toàn cầu. Từ những năm 2000, thuật ngữ “tăng trưởng bao trùm” ra đời sau khi các học giả trên thế giới phát hiện ra rằng tăng trưởng ở các nước đang phát triển không phải lúc nào cũng dẫn đến việc giảm bất bình đẳng và tăng mức sống dân cư như đã được dự báo.

Nhiều bằng chứng khoa học đã cho thấy sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập là nguyên nhân sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế chậm lại và cả các bất ổn xã hội trong tương lai. Do vậy, tăng trưởng bao trùm là một cách tiếp cận chủ động hơn để đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội nhằm mục tiêu cuối cùng là phát triển con người.

Tăng trưởng bao trùm là một mô hình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đi đôi với công bằng xã hội trên cơ sở bảo đảm cho tất cả các thành viên trong xã hội có cơ hội công bằng, cùng tham gia đóng góp và chia sẻ lợi ích có được từ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng bao trùm hướng tới việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, và lợi ích của tăng trưởng được phân bổ theo cách công bằng hơn dẫn tới việc cải thiện mức sống dân cư và các khía cạnh của chất lượng cuộc sống như sức khỏe người dân, việc làm và kỹ năng nghề nghiệp, môi trường trong sạch, hỗ trợ cộng đồng.

5 Đặc Điểm Của Nền Kinh Tế Bao Trùm

Sự Tham Gia

Mọi người có thể tham gia đầy đủ vào đời sống kinh tế và có tiếng nói lớn hơn đối với tương lai của chính mình. Mọi người có thể tiếp cận và tham gia thị trường với tư cách là người lao động, người tiêu dùng, chủ doanh nghiệp, v.v. Môi trường minh bạch và việc phổ cập các quy tắc và chuẩn mực cho phép mọi người kinh doanh, tìm việc làm hoặc mua bán sản phẩm. Công nghệ được ứng dụng rộng rãi hơn, giúp nâng cao chất lượng đời sống của cá nhân và cộng đồng.

Sự Công Bằng

Tạo cơ hội cho nhiều người phát triển và hưởng lợi hơn. Tất cả các thành phần trong xã hội, đặc biệt là các nhóm người nghèo hoặc yếu thế, đều có thể tận dụng các cơ hội này. Mọi người được tiếp cận bình đẳng với một nền tảng kinh tế vững chắc hơn, bao gồm quyền tiếp cận bình đẳng với hàng hóa, dịch vụ và cơ sở hạ tầng (CSHT) công cộng đầy đủ, chẳng hạn như giao thông, giáo dục, y tế, nước sạch, v.v.

Đảm Bảo Tăng Trưởng

Nền kinh tế ngày càng sản xuất nhiều hàng hóa và dịch vụ đủ để giúp người dân cải thiện chất lượng đời sống. Cơ hội có việc làm tốt ngày càng nhiều, thu nhập ngày càng tăng, nhất là cho người nghèo. Các hệ thống kinh tế chuyển đổi để tốt hơn cho tất cả mọi người, đặc biệt là các cộng đồng nghèo và vùng sâu, vùng xa. Tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế không chỉ được thể hiện qua các chỉ số tổng sản lượng kinh tế (như tổng sản phẩm quốc nội (GDP)), mà phải bao gồm các thành tựu về cải thiện đời sống xã hội.

Tính Ổn Định

Các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và chính phủ có đủ niềm tin vào tương lai và tăng khả năng dự đoán kết quả của các quyết định kinh tế của chính mình. Cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng
và doanh nghiệp được đảm bảo để đầu tư cho tương lai của mình. Các hệ thống kinh tế ngày càng có khả năng chống chịu tốt trước những cú sốc, đặc biệt là những biến cố ảnh hưởng nhiều đến các cộng đồng nghèo hoặc dễ bị tổn thương.

Tính Bền Bền Vững

Sự giàu có về kinh tế và xã hội được duy trì theo thời gian, đảm bảo chất lượng cuộc sống xuyên suốt nhiều thế hệ. Sự giàu có về kinh tế và xã hội ở đây được hiểu là giá trị xã hội của toàn bộ tài sản đóng góp vào chất lượng đời sống của con người, bao gồm tài sản do con người tạo ra (sản phẩm từ hoạt động sản xuất, hoạt động tài chính, v.v) và tài nguyên tự nhiên. Việc sử
dụng tài nguyên tự nhiên của con người phải giúp bảo tồn hoặc khôi phục khả năng của tự nhiên để tạo ra hệ sinh thái hàng hóa và dịch vụ góp phần vào chất lượng đời sống của con người. Do đó, việc ra quyết định phải tính đến các chi phí và lợi ích dài hạn thay vì chỉ xét lợi nhuận ngắn hạn từ việc sử dụng tài sản của con người.

Phát triển hay tăng trưởng bao trùm có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển của nông nghiệp nông thôn. Một trong những tồn tại cơ bản của PTNNNT nói riêng và phát triển nền kinh tế nói chung hiện nay là sự gia tăng chênh lệch giữ các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị, giữa các thành phần dân tộc, thu nhập giữa nông nghiệp với các lĩnh vực khác, và giữa nhóm có thu nhập thấp nhất và nhóm thu nhập cao nhất trong xã hội.

Tư duy tăng trưởng bao trùm sẽ là trọng tâm trong các hoạt động nhằm tạo ra cơ hội công bằng cho các nhóm yếu thế hơn trong xã hội mà đang tập trung phần lớn ở nông thôn, giảm khoảng cách giữa các khu vực địa lý và thành phần trong xã hội.

Điều này sẽ đòi hỏi định hướng, đầu tư mạnh mẽ hơn, sự hỗ trợ tốt hơn của các lĩnh vực khác trong nền kinh tế cho sản xuất nông nghiệp và khu vực nông thôn, từ đó, tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh và bền vững trong dài hạn. Do vậy, Chiến lược lần này đặt quan điểm “thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nông thôn, thành thị” và một trong những định hướng, nhiệm vụ trọng tâm là “phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn”.

Popular Posts

Back To Top