Ngày 19/11/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương với Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội nghị Phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại…
Thiết lập cạnh tranh bình đẳng
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, tiến trình hội nhập kinh tế đang góp phần thay đổi căn bản thể chế kinh tế nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, thể hiện qua hoạt động ngoại thương.
Theo đó, nếu như kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2001 mới đạt hơn 30 tỷ USD thì 6 năm sau, năm 2007 đã là 100 tỷ USD; năm 2011 đạt 200 tỷ USD và năm 2019, con số này đã là 517 tỷ USD. Trong cùng giai đoạn, xuất khẩu đã tăng từ mức 15 tỷ USD vào năm 2001 lên gần 50 tỷ USD năm 2007, gần 100 tỷ USD năm 2011 và đạt hơn 280 tỷ USD vào năm 2020. Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.
Tuy nhiên, cùng với đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, hàng hóa nhập khẩu cũng vào nước ta nhiều hơn và cạnh tranh khá quyết liệt với hàng hóa trong nước. “Đây là hệ quả tất yếu của việc mở cửa nền kinh tế và hội nhập với thế giới. Vì những lợi ích cơ bản của hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta chấp nhận và sẵn sàng cạnh tranh sòng phòng, bình đẳng. Và phòng vệ thương mại chính là một trong những công cụ giúp ta thực hiện điều đó”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thống kê của WTO, hơn 25 năm qua, các nước đã khởi xướng điều tra tổng cộng 6.300 vụ chống bán phá giá, 632 vụ chống trợ cấp và 400 vụ việc tự vệ, trung bình mỗi năm hơn 290 vụ. Còn theo Bộ Công Thương, số lượng các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, nếu như giai đoạn 2005-2010 mới có 25 vụ việc, gồm 15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ, 3 vụ việc chống lẩn tránh thì nay con số này trong giai đoạn 2011-2015 là 52 và giai đoạn 2016 đến tháng 9/2021 là 109 gồm 58 vụ việc chống bán phá giá, 16 vụ việc chống trợ cấp, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh.Phòng vệ thương mại (PVTM) là một trong những công cụ nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuát trong nước trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và đưa ra các cam kết về xóa bỏ hàng rào thuế, hàng rào phi thuế quan. Bao gồm các biện pháp: Tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Đáng chú ý, giai đoạn trước năm 2005, tổng số vụ việc là khoảng 22 vụ, nay đã tăng lên mức 208 vụ việc. Trong đó, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM.
Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương thông tin, tính đến tháng 11/2021, Bộ đã khởi xướng điều tra 23 vụ việc PVTM, gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ. Đối tượng là các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân DAP, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi và gần đây là đường. Theo đánh giá của Bộ Công Thương các biện pháp PVTM đã góp phần lập lại môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ được lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới.
Truyền thông để doanh nghiệp hiểu đúng về PVTM
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM, Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương – ông Lê Triệu Dũng cho biết, chính sách pháp luật về PVTM không ngừng được hoàn thiện; cùng với đó Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động tuyền truyền nâng cao nhận thức về lĩnh vực này cho doanh nghiệp; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện PVTM tại nhiều thị trường; tiếp nhận hồ sơ đề nghị điều tra và đẩy nhanh hoàn thành các vụ việc điều tra PVTM nhằm kịp thời có các biện pháp PVTM để đảm bảo môi trường thương mại công bằng cho các ngành sản xuất trong nước.
Cho đến nay, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sau những sau va vấp ban đầu, nhiều doanh nghiệp và một số hiệp hội doanh nghiệp đã thành thục trong công tác ứng phó với các vụ việc PVTM. Nhu cầu tìm hiểu cũng như nắm bắt về PVTM và năng lực, cách ứng phó của doanh nghiệp đã được cải thiện rõ rệt. “Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn đặt ra đối với doanh nghiệp, ngành hàng trong quá trình tham gia, tiếp nhận các vụ việc về PVTM, do đó cần nhiều hơn sự hỗ trợ, truyền thông, thông tin về các biện pháp ứng phó từ Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan“- bà Trang cho hay.
Với vai trò của PVTM trong bối cảnh hội nhập, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định thêm, biện pháp PVTM đang có những tác động nhiều mặt, lâu dài, không phải là những lợi ích trước mắt. Theo đó, các biện pháp này có thể xuất hiện cả ở chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Vì vậy, thời gian tới, để cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về biện pháp PVTM thì vai trò của cơ quan báo chí là rất quan trọng cùng với các chương trình. “Bộ Công Thương luôn xác định, báo chí là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, là kênh thông tin hiệu quả để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách pháp luật nói chung và lĩnh vực PVTM nói riêng”- Thứ trưởng nêu rõ.
Trước xu thế sử dụng các biện pháp PVTM ngày càng gia tăng, do đó công tác cảnh báo sớm và tuyên truyền, thông tin về PVTM đóng vai trò hết sức quan trọng, cấp thiết. Để nâng cao hiệu quả công tác này, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị, Bộ Công Thương tăng cường phổ biến thông tin kịp thời về PVTM; đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin cơ bản, chuyên sâu, chính xác có tính hệ thống về PVTM cho cơ quan báo chí
Cũng tại hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức liên quan đến PVTM nhằm nâng cao năng lực, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về PVTM, qua đó bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước và nền kinh tế khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do như hiện nay. “Báo chí phải là kênh thông tin, là diễn đàn để bày tỏ ý kiến của người dân, doanh nghiệp đối với Đảng, nhà nước, Bộ ngành và ngược lại. Thông qua báo chí, những ý kiến của doanh nghiệp, người dân sẽ góp phần tạo ra những thay đổi tích cực của cơ quan nhà nước trong việc đổi mới chính sách”- ông Phan Xuân Thủy nhấn mạnh.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương
Bài đọc thêm:
- Ấn Độ: Điều trần việc điều tra chống bán phá giá pin năng lượng mặt trời
- Việt Nam: Tận dụng phòng vệ thương mại khi tham gia các hiệp định
- Đài Loan lưu ý về Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật