Philippines mới đây đã cập nhật quy chuẩn kỹ thuật chứng nhận bắt buộc đối với dây và cáp điện (Mã HS 8544.11.20) trong nước và nhập khẩu…
Thực hiện nghĩa vụ minh bạch hóa theo Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của Tổ chức thương mại thế giới WTO, ngày 11 tháng 4 năm 2022, Philippines đã gửi thông báo số G/TBT/N/PHL/275/Add.1 cho các nước thành viên WTO (thông qua Văn phòng TBT) về việc Philippines đã phê chuẩn Chỉ thị 22-07 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về chứng nhận sản phẩm bắt buộc đối với dây và cáp điện vào ngày 15 tháng 6 năm 2022 và biện pháp này chính thức có hiệu lực sau 15 ngày sau khi được công bố chính thức vào ngày 19 tháng 6 năm 2022.
Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết, quy chuẩn trên quy định việc chứng nhận bắt buộc đối với sản phẩm dây và cáp điện (Mã HS 8544.11.20) sản xuất trong nước và nhập khẩu, bao gồm:
1. Dây và cáp bọc bằng nhựa nhiệt dẻo bọc ruột đồng (loại lõi đặc và lõi bện);
Loại TW, THW, THHN, THWN, THWN-2, NM (phi kim loại).
2. Dây mềm bọc bằng nhựa nhiệt dẻo và dây cố định:
Dây dẹt (SPT), dây oval (SVT), dây bọc tròn (SJT/SJTO), dây bọc nhựa siêu cứng (ST/STO), dây cố điịnh bọc bằng nhựa nhiệt dẻo (TFFTFN), dây và dây chiếu sáng trang trí (XTWICXTW).
Chỉ thị 22-07 đưa ra các quy định liên quan tới quy trình, thủ tục và các tài liệu bắt buộc đối với việc chứng nhận sản phẩm dây và cáp điện để được cấp Giấy phép nhãn hiệu chứng nhận an toàn hoặc/và chất lượng tiêu chuẩn Philippines (Giấy phép PS), cũng như Giấy xác nhận (SOC) và Giấy thông quan hàng hóa nhập khẩu (ICC).
Bên cạnh đó, Chỉ thị 22-07 cũng bao gồm các quy định về việc dán nhãn đối với sản phẩm dây và cáp điện được sản xuất trong nước và nhập khẩu. Các nội dung cần thể hiện trên bao bì sản phẩm bao gồm: loại dây/cáp, số lõi, kích thước, hiệu điện thế và nhiệt độ dây, tên nhà sản xuất/thương nhân, ngày sản xuất, trọng lượng, chiều dài, xuất xứ, nhãn hiệu PS (khi đã được cấp giấy phép PS) hoặc nhãn hiệu ICC (khi đã được cấp ICC),…
Bộ Công Thương trân trọng thông tin về quy định mới của Philippines tới các quý doanh nghiệp và đề nghị các quý doanh nghiệp nghiên cứu kỹ Chỉ thị 22-07 để chủ động đáp ứng các quy định của Philippines và hạn chế ảnh hưởng của quy định mới này tới hoạt động kinh doanh.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm:
- GACC công bố quy định nhập khẩu quả sầu riêng tươi từ Việt Nam
- Trung Quốc sẽ kiểm hàng trực tuyến nếu phát hiện có SARS-CoV-2
- EU cảnh báo Việt Nam thiếu quy định về cấm Ethylene Oxide (EO)
- EU sửa Giấy chứng nhận ATTP với sản phẩm hỗn hợp từ động vật
- Gạo Việt thuộc top đầu thế giới nhưng sao không dễ vào Âu, Mỹ?
- Nghị quyết về thu phí hạ tầng cảng biển tại TPHCM từ mùng 1/8