- Cà phê xuất khẩu sang châu Âu chiếm tỉ trọng lớn nhất.
- Cà phê Arabica và Excelsa giảm về lượng nhưng giá trị tăng.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý I/2022 đạt 581,7 nghìn tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 60,2% về trị giá so với quý I/2021; so với quý I/2020 tăng 12,8% về lượng và tăng 49,1% về trị giá.
Quý I/2022, xuất khẩu cà phê sang tất cả các khu vực trên thế giới đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang khu vực châu Âu tăng mạnh nhất, tăng 92,6%. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang châu Âu chiếm 54,39% tổng trị giá xuất khẩu trong quý I/2022, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 40,71% trong quý I/2021. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang châu Á giảm từ 45,62% trong quý I/2021 xuống 32,7% trong quý I/2022.
Quý I/2022 so với quý I/2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường khu vực châu Âu tăng, ngoại trừ Nga, Ba Lan, Hy Lạp. Tại khu vực châu Á, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường giảm, gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia. Đối với khu vực châu Mỹ, xuất khẩu cà phê sang Hoa Kỳ, Canada giảm.
Quý I/2022, xuất khẩu cà phê Robusta và cà phê chế biến tăng, trong khi xuất khẩu cà phê Arabica và cà phê Excelsa giảm so với quý I/2021.
Thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Robusta trong quý I/2022 đạt 529,2 nghìn tấn, trị giá 1,05 tỷ USD, tăng 33,5% về lượng và tăng 70,5% về trị giá so với quý I/2021; cà phê chế biến tăng 12,5%, đạt xấp xỉ 150,1 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu cà phê Arabica trong quý I/2022 giảm 5,1% về lượng, nhưng tăng 61,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 20,87 nghìn tấn, trị giá 94,24 triệu USD; xuất khẩu cà phê Excelsa giảm 56,6% về lượng và giảm 41% về trị giá, đạt 95 tấn, trị giá 225 nghìn USD.
Dự báo quý II/2022 xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng nhờ nguồn cung dồi dào, các Hiệp định thương mại tự do tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, giá cà phê sau khi tăng mạnh trong các tháng đầu năm 2022, thì sang tháng 3 và tháng 4/2022 có xu hướng giảm do áp lực về nguồn cung dồi dào và nhu cầu tiêu thụ giảm trong ngắn hạn do lạm phát tăng cao.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm