Rồi châu chấu sẽ trở thành món ăn thay thế thịt bò trong tương lai

Tôm hùm từng bị coi là thực phẩm không phù hợp với con người nhưng giờ đã trở thành đặc sản. Sắp tới sẽ đến thời của châu chấu, côn trùng…

Điều đó chứng tỏ một điều, thói quen ăn uống của con người có thể thay đổi. Cách đây mấy năm, một sáng kiến tại Hà Lan khuyến khích mọi người hãy ăn côn trùng thông qua một khởi nghiệp nuôi châu chấu. Ba doanh nhân trẻ đến từ Amsterdam đã tìm cách thuyết phục người dân nước này ăn nhiều côn trùng hơn và cam kết sẽ cung cấp loại thực phẩm mới này với giá cả phải chăng. Lý do, tiêu thụ côn trùng nói chung và châu chấu nói riêng sẽ tốt hơn cho môi trường và cho nhân loại.

Các nhà khoa học tính toán, để sản xuất ra một kg thịt bò cần ít nhất khoảng 5 kg thức ăn và 15.000 lít nước. Nhưng để làm ra một kg châu chấu (cào cào) thì chỉ cần chưa tới một kg thức ăn đầu vào và không cần nước, bởi loài côn trùng này hút nước từ chính cây cỏ mà chúng ăn.

Mặt khác để sản xuất thịt bò cũng đòi hỏi nhiều đất đai hơn 12 lần so với sản xuất châu chấu. Trong khi đó, việc tạo ra protein từ châu chấu lại hiệu quả hơn nhiều so với các dạng protein động vật khác và chi phí chỉ bằng 1 phần 10.

Đặc biệt trong xu thế hiện nay, hiệu quả từ ngành nghề nuôi côn trùng cũng có tác động tích cực đến dấu vết carbon, chống biến đổi khí hậu. Bằng chứng là việc tạo ra nguồn protein của côn trùng chỉ thải ra 1/12 lượng khí nhà kính do thịt bò tạo ra. Trong một thế giới ngày càng thiếu lương thực, nước uống và đất nông nghiệp, cùng với hiện tượng ấm lên toàn cầu đang trở thành một vấn đề nan giải, thì giải pháp chăn nuôi côn trùng làm thức ăn, thực phẩm có thể giúp nhân loại yên tâm tận hưởng một tương lai bền vững.

Các nhà cung cấp châu chấu tại Hà Lan tin tưởng rằng mọi thứ phải được thực hiện theo cách khác biệt và đã quyết định đi đầu. Nghiên cứu của họ chỉ ra rằng, có hai lý do chính khiến người dân nước này không ăn côn trùng: Một là nhiều người thấy ý tưởng đó không phù hợp và thứ hai là giá côn trùng đắt quá mức – một số cửa hàng trực tuyến bán châu chấu với giá khoảng 350 euro cho mỗi kg.

Vào thời điểm đó, các nhà cung cấp châu chấu trong nước phải nhập khẩu sản phẩm này từ các công ty ở các nước khác và Canada. Và khởi nghiệp tại Hà Lan tính toán sẽ nhân giống côn trùng trên quy mô đáng kể, cho phép các nhà cung cấp châu chấu bán sản phẩm với giá chỉ bằng khoảng một phần ba giá nhập khẩu. Nếu mặt hàng châu chấu phát triển tốt họ sẽ tính toán mở rộng sang các loài côn trùng khác.

Các doanh nhân trẻ cũng đồng thời phát động một chiến dịch để tuyên truyền, giải thích cho mọi người về lợi ích của việc ăn côn trùng và một khi mọi người đã ăn côn trùng, họ sẽ cảm nhận rằng không có gì sai với nó. Họ đã bắt đầu một chiến dịch khuyến khích mọi người đến nhà hàng và ăn thử các món ăn từ châu chấu, và nhiều đầu bếp đã bày tỏ ý muốn có chúng trong thực đơn. Bằng cách này, rào cản tâm lý mà nhiều người từng thành kiến sẽ từ từ được phá bỏ.

Tất cả chúng ta sẽ sớm ăn côn trùng?

Câu hỏi đặt ra là liệu việc ăn côn trùng có bùng nổ ở Hà Lan hay không. Những người sáng lập có lý do để hy vọng: “Vào thế kỷ 19, tôm và tôm hùm cũng từng bị coi là thực phẩm không phù hợp với con người. Tuy nhiên hiện nay tôm hùm đã trở thành một món đặc sản, đắt đỏ. Điều đó cho thấy, thói quen ăn uống của chúng ta có thể thay đổi”.

Gần đây, một báo cáo trên tạp chí Hóa nông và Thực phẩm ACS đã công bố các chất dinh dưỡng, đặc biệt là sắt, khoáng chất từ châu chấu, dế mèn và các loài côn trùng khác thực sự cao so với thịt bò.

Các nhà nghiên cứu cho biết, côn trùng có hàm lượng sắt, canxi, đồng, magiê, mangan và kẽm khác nhau. Ví dụ, loài dế có hàm lượng sắt cao hơn các loài côn trùng khác. Và các khoáng chất bao gồm canxi, đồng và kẽm từ châu chấu, dế và sâu bột dễ hấp thụ hơn các khoáng chất tương tự từ thịt bò.

Báo cáo cũng lưu ý rằng, có khoảng 1.900 loài côn trùng đã được ghi nhận là nguồn thực phẩm cho nhân loại để thay thế thịt.

Theo Báo NNVN

 

Bài đọc thêm:

  1. Lương thực nào cho tương lai khi gạo, lúa mì, ngô đều biến mất?
  2. Mega A Logistics mở tuyến hàng hải Việt Nam-Nga trong tháng 8
  3. FAO, WHO: Lương thực dạng hạt lọt top đầu bảng đánh giá rủi ro
  4. Giá lương thực toàn cầu tiếp tục giảm mạnh tháng thứ 4 liên tiếp
  5. EFRA điều tra giá lương thực trong bối cảnh Anh chịu lạm phát cao
  6. Nghiên cứu: Nước mưa hiện đại đã không còn an toàn để uống

Popular Posts

Back To Top