Rủi ro trong phương thức thanh toán xuyên quốc gia

Nhiều container hạt điều xuất khẩu (XK) sang Italy đang cho thấy những rủi ro trong phương thức thanh toán với những đối tác “ảo”.

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều kêu cứu

Mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) nhận được “Đơn kêu cứu” của các DN chế biến, XK nhân điều. Cụ thể, họ đã ký hợp đồng với một số khách hàng Italy thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt.

Với các bộ chứng từ gửi đến ngân hàng tại Italy, các ngân hàng Italy đều thông báo đã nhận được bộ chứng từ từ DHL nhưng là bản photocopy, không phải bản gốc; hoặc có trường hợp là giấy trắng. Hiện tại, DN rất lo lắng, không biết bộ chứng từ gốc ở đâu do đó, hàng hóa có thể sẽ bị chiếm đoạt. Do hàng được giao làm nhiều đợt nên đã có những container đến cảng Italy, một số đang sắp tới. Phát hiện dấu hiệu lừa đảo, các DN và ngân hàng Việt Nam đã nỗ lực tìm cách giữ hàng, thu hồi bộ chứng từ. Tính đến chiều ngày 9/3/2022, trong số 100 bộ chứng từ, còn lại 36 bộ chứng từ của 36 container bị “mất kiểm soát”.Hiện nay, DN đều đã gặp tình trạng với các bộ chứng từ gửi tới ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ. Theo hướng dẫn của người mua hàng, nhà XK nộp hồ sơ gốc, bao gồm cả vận đơn đường biển bản gốc, cho ngân hàng Việt Nam để nhờ thu tiền bán hàng. Sau đó, ngân hàng Việt Nam gửi bộ chứng từ gốc cho ngân hàng thanh toán Thổ Nhĩ Kỳ của người mua qua dịch vụ phát chuyển nhanh DHL. Tuy nhiên, ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, người mua không phải khách hàng của họ và đã gửi trả lại bộ chứng từ cho phía ngân hàng Việt Nam. Khi ngân hàng Việt Nam tra soát với Công ty DHL về tình trạng giao phát theo số AWB do ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp được phản hồi rằng, số AWB này không liên quan gì đến ngân hàng Việt Nam.

Ngày 10/3/2022, VINACAS đã gửi văn bản đến các hãng vận chuyển liên quan đề nghị các hãng vận chuyển áp dụng biện pháp “khẩn cấp”, tạm thời giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giải phóng hàng cho người nhận, ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc; chỉ cho phép giải phóng hàng khi nhận được xác nhận từ các công ty chủ hàng (người bán). Đồng thời, hướng dẫn cụ thể cho các DN chủ hàng thủ tục cần làm những gì để được hoàn trả lại hàng trong trường hợp người bán không nhận được thanh toán từ ngân hàng của người mua.

Câu chuyện thực tế từ doanh nghiệp

Trong hoạt động xuất nhập khẩu, có hàng loạt “mắt xích” như: Vận tải, kiểm kê, bốc xếp hàng, đóng gói vật tư, đóng gói bao bì, đàm phán, thanh toán… Trong các khâu này, rủi ro nhiều nhất chính là thanh toán. Hiện, DN XK có thể áp dụng một số phương thức thanh toán quốc tế như: Điện chuyển tiền (T/T); trả tiền nhận chứng từ (D/P – Documents against Payment); trao chứng từ trả tiền ngay (CAD-Cash Against Documents); thư tín dụng (L/C – Letter of Credit). Bản chất của D/P, CAD hay L/C đều là nhờ thu qua ngân hàng. Tất cả phương thức này đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng, nên xét về mặt chứng từ, tính an toàn tương đương nhau; còn khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ, rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán. Hành vi lừa đảo này có thể diễn ra với bất kỳ hình thức thanh toán nào, chứ không phải chỉ với D/P hay CAD? Đây là một “lỗ hổng” trong thương mại quốc tế.

Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group – chia sẻ câu chuyện thực tế từ DN: Năm 2007, chúng tôi nhận được một đơn hàng 37 container tiêu giao ngay một lần sang cảng Varna (Bulgari) với mức giá hấp dẫn 6.300 USD/tấn CIF (giao hàng tại cảng dỡ, giá đã bao gồm tiền hàng, bảo hiểm, cước phí tàu) thanh toán tại ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ. Khách đã đặt cọc 10% và hàng được vận chuyển sang Varna. Mọi thứ diễn ra bình thường cho đến khi khách liên tục hối thúc giao hàng và gửi mã vận đơn. Linh cảm và kinh nghiệm của một người làm kinh doanh cho thấy, có thể đây là một vụ lừa đảo. Nếu có chứng từ hoặc mã vận đơn, họ có thể lấy hàng trong khi chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán. Chúng tôi nhờ ngân hàng Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc kiểm tra và “tin sét đánh” là Varna không phải khách hàng của họ, đây có thể là dấu hiệu của một vụ lừa đảo. Hàng đã đến Bulgari, 37 container hàng rơi vào cảnh “tiến thoái, lưỡng nan”. Nhưng trong phút chót, chúng tôi đã ủy quyền được cho hãng tàu, liên hệ với khách hàng và bán được 27 cont sang Pháp, Israel và Đức. Còn lại 10 container quay về Việt Nam.

Rõ ràng, trong hoạt động kinh doanh, nhất là xuất nhập khẩu, rủi ro là điều khó tránh khỏi. Sự nhanh nhạy và chuyên nghiệp và cả may mắn sẽ giúp DN có thể hạn chế được các rủi ro.

Theo Báo Công Thương

Bài đọc thêm:

  1. Phòng ngừa rủi ro trong khâu thanh toán hàng xuất nhập khẩu
  2. Nhà đầu tư ngoại kỳ vọng Việt Nam thành trung tâm logistics toàn cầu
  3. Việt Nam trên đà thành trung tâm sản xuất toàn cầu mới

Popular Posts

Back To Top