Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tụt xuống hạng 3 vào năm 2022

Chuyển đổi từ lượng sang chất, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ rơi xuống vị trí thứ 3 trong năm 2022 – sau 2 năm liên tiếp đứng ở vị trí Á quân…

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra cuối tháng 5/2021 về tình trạng lúa gạo toàn cầu, sản lượng gạo sẽ tăng 1,9 triệu tấn so với giai đoạn 2020-2021. Theo ước tính, sản lượng gạo sẽ đạt kỷ lục mới vào năm 2022 với 505,4 triệu tấn gạo xay xát.

Về nguồn cung gạo trên trên thế giới, hầu hết sản lượng sẽ tăng ở các nước Bangladesh, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Đài Loan; còn Mỹ và Việt Nam dự báo sẽ giảm sản lượng trong niên vụ 2021-2022.

Tại Việt Nam, tuy năng suất trung bình là 5,9 tấn/ha vẫn không có gì thay đổi, nhưng sản lượng gạo được dự báo sẽ giảm nhẹ trong niên vụ 2021-2022. Nguyên nhân chính là do diện tích thu hoạch lúa gạo giảm tới 50.000 ha – bởi 3 lý do sau:

  1. Nước mặn xâm nhập và dòng chảy yếu hơn từ sông Mekong – yếu tố tự nhiên khiến diện tích lúa gạo ở Việt Nam càng ngày càng giảm.
  2. Quá trình đô thị hóa trở nên phổ biến hơn – yếu tố vĩ mô đã thu hẹp diện tích trồng trọt nói chung và diện tích lúa của Việt Nam nói riêng.
  3. Người trồng chuyển đổi sang trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn – yếu tố cá nhân làm giảm diện tích thu hoạch lúa gạo trong nước.

Diện tích thu hoạch lúa gạo của Việt Nam đã giảm năm thứ 5 liên tiếp và xuống mức thấp nhất kể từ niên vụ 2006-2007. Tuy nhiên, kết quả này không bị coi là tín hiệu xấu đối với gạo Việt Nam xuất khẩu.

Theo Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”, các nhà chính sách của Việt Nam đã hoạch định rõ sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam – đến năm 2025 sẽ rơi vào khoảng 5 triệu tấn.

Mục đích của việc chủ động giảm này là tập trung vào nâng cao giá trị và thương hiệu gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chiến lược này cũng đang được các thương nhân xuất khẩu gạo hưởng ứng tích cực, thể hiện qua việc chuyển dần tỷ trọng các loại gạo trắng sang gạo thơm chất lượng cao, có giá trị tốt hơn, đồng thời tập trung vào những thị trường có nhu cầu cao hơn về gạo chất lượng cao như EU, Mỹ, và Nhật Bản, v.v…

Gạo Việt Nam xuất khẩu bằng tàu biển
Gạo Việt Nam xuất khẩu bằng tàu biển (Bộ Công Thương / Lam Dang)

Theo lời chia sẻ của Giám đốc Nguyễn Văn Thành, đến từ Công ty TNHH SX-TM Phước Thành IV: so với các loại gạo trắng thông thường trước đây, giá gạo thơm cao hơn và có thị trường ổn định, không bị cạnh tranh nhiều.

“Cùng với các thị trường truyền thống ở Châu Á, chúng tôi cũng đang nghiên cứu kỹ về thị trường EU để có sự chuẩn bị tốt trước khi đem sản phẩm xuất qua đây nhằm hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).” – Giám đốc Nguyễn Văn Thành cho biết.

Tương tự, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An là ông Phạm Thái Bình cho biết công ty mình đã liên tiếp trúng thầu xuất khẩu gạo đi các nước Châu Á và EU. Gần đây nhất, trong tháng 4/2021, công ty Trung An đã 2 lần trúng thầu xuất gạo đi Hàn Quốc với sản lượng trên 30 ngàn tấn gạo lứt hạt dài.

Cũng theo ông Bình, gạo Trung An hiện có giá ở mức tương đối cao – trên 578,5 USD/tấn (giá CIF) bởi doanh nghiệp đầu tư bài bản, đảm bảo chất lượng hạt gạo tốt nên đối tác tin tưởng và nhận được đánh giá cao.

Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tương đối cao so với các nước khác. Cụ thể như với loại gạo 5% của Việt Nam có giá 483 USD/tấn, Thái Lan 443 USD/tấn, thị trường cạnh tranh nhất là Ấn Độ thì chỉ ở mức 388 USD/tấn.

Việc ngày càng nhiều thương nhân Việt có xu hướng xuất khẩu phân khúc gạo cao cấp vừa giúp gia tăng giá trị thương hiệu gạo Việt Nam, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, lại có thị trường ổn định.

Tổng hợp lại từ Báo Công Thương

Popular Posts

Back To Top