Với sản lượng xuất đi Nhật Bản, Hàn Quốc cộng lại chỉ bằng hai ngày bán vào Trung Quốc, cho thấy đây là thị trường cần đẩy mạnh khai thác.
Trong bối cảnh nông sản nói chung và thanh long nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ, hôm nay, 6-1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức diễn đàn trực tuyến “Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long”.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết sản lượng thanh long của Việt Nam đạt khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Trong đó, quí 1 cung cấp ra thị trường khoảng 300.000 tấn, quí 2 là 150.000 tấn, quí 3 và 4 lần lượt đạt khoảng 410.000 tấn và 500.000 tấn. “Quí 4 và quí 1 tập trung sản lượng lớn vì thế đây là những tháng chúng ta cần giải quyết lượng thanh long rất nhiều”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, thanh long được trồng ở nhiều địa phương trong cả nước, nhưng Bình Thuận, Tiền Giang và Long An là ba địa phương có diện tích và sản lượng lớn nhất. Trong đó, Bình Thuận có diện tích khoảng 34.000 héc ta với sản lượng khoảng 700.000 tấn/năm; Long An khoảng 12.000 héc ta với sản lượng khoảng 320.000 tấn và Tiền Giang đạt xấp xỉ 10.000 héc ta với sản lượng khoảng 240.000 tấn/năm.
Ông Tùng cho biết, lượng thanh long cần tiêu thụ trong tháng 1-2021 là khoảng 120.000 tấn trong tổng số khoảng 300.000 tấn của quí 1-2022. “Đó là chưa kể lượng thanh long nằm trong các kho và xe vận chuyển của doanh nghiệp, đạt xấp xỉ 30.000-40.000 tấn”, ông nói.
Sản lượng thanh long nêu trên của Việt Nam gặp khó khăn trong tiêu thụ là vấn đề đã được phía Trung Quốc đưa ra cảnh báo từ trước đó.
Cụ thể, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, cho biết đối với ngành cây ăn trái nói chung và thanh long nói riêng, cách đây khoảng 1 năm phía Trung Quốc đã cảnh báo Việt Nam nên xuất bằng đường chính ngạch.
Theo ông Huy, khó khăn hiện nay xảy ra là đối với những doanh nghiệp không nghe cảnh báo, tức vẫn xuất khẩu tiểu ngạch bằng đường bộ. “Còn đi chính ngạch bằng đường biển, người ta vẫn xuất bình thường”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Huy cũng lưu ý, dù Trung Quốc không cấm Việt Nam xuất khẩu vào bằng đường biển, nhưng họ lại kiểm soát dịch Covid-19 rất nghiêm ngặt và khi phát hiện ca bệnh họ sẽ tạm ngưng nhập khẩu.
Chính vì vậy, theo ông Huy, bên cạnh khuyến cáo doanh nghiệp chuyển sang xuất chính ngạch bằng đường biển, cũng phải tuân thủ để trái thanh long và cả bào bì chứa không nhiễm Covid-19.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong năm 2021 có 849.780 tấn trái cây (9 loại trái cây được xuất chính ngạch vào Trung Quốc) của Việt Nam được xuất khẩu bằng đường biển tại cảng TPHCM vào thị trường Trung Quốc, trong đó có 518.818 tấn thanh long.
Theo ông Huy, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rất lớn, cho nên thay vì tìm cách thoát khỏi thị trường này thì doanh nghiệp cần tập trung khai thác tốt hơn.
Ông Huy nhấn mạnh, Việt Nam xuất đi 50 nước cũng không bằng xuất vào thị trường Trung Quốc. “Hiện nay, tổng sản lượng Việt Nam xuất vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc của tất cả các doanh nghiệp cộng lại cũng chỉ bằng hai ngày xuất vào thị trường Trung Quốc”, ông nói. Ông Huy cho rằng Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rất lớn thanh long Việt Nam nói riêng và trái cây nói chung, cho nên cần chú trọng đáp ứng yêu cầu của họ.