Sản phẩm tôm của Việt Nam hiện đã có mặt trong hầu hết các hệ thống phân phối lớn ở Mỹ và rất được ưa chuộng tại thị trường này.
Hơn 1,5 tỷ USD là giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt được trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, con tôm vẫn là át chủ bài trong xuất khẩu thủy sản chiếm gần một nửa giá trị. Dự kiến trong năm nay, tôm sẽ mang về kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 4 tỷ USD và có mức tăng trưởng từ 10% – 12%. Đây là nhận định được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra tại Hội nghị Phát triển ngành tôm năm 2022 được tổ chức cuối tuần qua.
Hiện nay, tôm Việt Nam đang được xuất khẩu tới 103 thị trường trên thế giới. Trong đó, có các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh… Đặc biệt, Mỹ vẫn là thị trường chính của con tôm Việt.
Năm ngoái, thị trường Mỹ đã tạo nên một kỷ lục mới về nhập khẩu tôm, với sản lượng vượt 800 nghìn tấn, trị giá trên 7 tỷ USD. Là quốc gia nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, ngành tôm nước ta cũng đang được hưởng lợi từ xu hướng này. Sản phẩm tôm của Việt Nam giờ đã có mặt trong hầu hết các hệ thống phân phối lớn ở đây.
Costco là một trong những hệ thống siêu thị bán buôn lớn nhất tại Mỹ. Để trở thành đối tác của chuỗi siêu thị này, bên cạnh yếu tố chất lượng, các doanh nghiệp cần đảm bảo có thể cung ứng hàng hóa với số lượng lớn và nguồn hàng ổn định.
Dù những điều kiện khắt khe như vậy nhưng hiện nay tôm đông lạnh của Việt Nam đã có vị trí ổn định trên các quầy hàng trong hệ thống của Costco. Với chất lượng và giá cả cạnh tranh, tôm Việt Nam đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
“Mỗi khi đến Costco tôi đều mua sản phẩm tôm. Nó thật sự rất ngon, tôi thường chế biến nó với gạo, rau và tỏi. Đây là một sản phẩm tuyệt vời cho việc nấu nướng”, bà Gina – khách mua hàng tại siêu thị Costco, Mỹ cho hay.
Tại chuỗi nhà hàng hải sản Shaking Crab ở bang New Jersey. Để chế biến các món từ tôm, nhà hàng thường lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam hoặc Mexico. Theo các đầu bếp ở đây, tôm Việt Nam chắc thịt, có vị giòn và ngọt. Các món từ tôm kết hợp với nước sốt đặc biệt của Shaking Crab là thực đơn yêu thích của nhiều khách hàng dù là ăn tại chỗ hay lấy để mang về.
Chị Brianna – bang New Jersey, Mỹ cho hay: “Tôm ở đây có vỏ, vì vậy tôi thường gỡ vỏ để ăn với nước sốt và những thứ khác. Nó có mùi rất thơm, khi ăn thử miếng đầu tiên, tôi thấy đúng là đã không lãng phí thời gian để bóc hết vỏ tôm, phần thịt tôm rất ngon. Tôi thực sự thích món tôm ở đây, nó rất tuyệt vời”.
“Tôi thường đến đây ít nhất 1 lần mỗi tháng, thường là 1 – 2 lần. Bạn gái của tôi thích hải sản, tôm ở đây rất ngon. Món mà tôi yêu thích là những con tôm bỏ đầu ăn với nước sốt đặc biệt của Shaking Crab. Lần nào đến đây tôi cũng gọi món này”, anh Darrel – bang New Jersey, Mỹ chia sẻ.
Theo thống kê của Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ, tôm là loại hải sản được ưa thích nhất trong thực đơn của người tiêu dùng ở quốc gia này. Hàng năm, mỗi người dân Mỹ sẽ tiêu thụ trung bình khoảng 2 kg tôm.
Còn trong báo cáo đánh giá quy mô “Thị trường tôm” toàn cầu năm 2022 vừa được tờ Market Watch công bố, một doanh nghiệp Việt Nam đang đứng đầu danh sách các công ty được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong năm nay.
Cơ hội gia tăng thị phần tôm Việt Nam tại Mỹ
Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ vẫn đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020. Các chuyên gia dự báo thị trường này vẫn còn nhiều dư địa để ngành xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng trong năm nay.
Trao đổi với phóng viên VTV, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York cho biết, bước sang năm 2022, dư địa tăng trưởng của tôm Việt Nam tại Mỹ vần còn rất nhiều tiềm năng do 1 năm Mỹ nhập khẩu trên 8 tỷ USD kim ngạch tôm.
“Dự báo năm 2022, lạm phát và giá dầu tăng cao nhưng kinh tế Mỹ tiếp tục trên đà phục hồi và tăng trưởng, đặc biệt mùa du lịch sắp tới sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và đồ ăn nhanh. Đây là cơ hội khi người dân Mỹ đã quen và chấp nhận tôm Việt Nam”, ông Hùng nhận định.
Cũng theo ông Hùng, Việt Nam nằm trong top 5 các nhà xuất khẩu tôm lớn nhất tại Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần quan tâm và chú trọng rằng trong các nước xuất khẩu tôm lớn vào Mỹ.
Những nước như Ecuador họ có khoảng cách địa lý gần hơn Việt Nam, từ đó giảm được chi phí về logistics và cư dân đông tại khu vực này. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh và thương hiệu tôm tại Mỹ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam phải luôn luôn đảm bảo được chất lượng theo những yêu cầu khắt khe của Mỹ cũng như đáp ứng được nguồn cung lớn.
Một số khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu
Thống kê của VASEP cho thấy trong năm 2022, ngoài Mỹ thì EU và Nhật Bản vẫn là những thị trường chính xuất khẩu tôm của Việt Nam. Bên cạnh đó cần tập trung thêm các thị trường tiềm năng khác như: Canada, Australia, Anh…
Còn thị trường Nga sẽ bị đứt đoạn do các nguy cơ về thanh toán, vận chuyển, và dự báo sẽ khó phục hồi trong thời gian ngắn. Cũng theo VASEP, năm nay, nguyên liệu tôm có thể sẽ tăng giá do các yếu tố đầu vào biến động phức tạp.
“Nguyên liệu là 1 trong 3 vấn đề doanh nghiệp quan tâm nhất. Trong báo cáo xuất khẩu thủy sản tổng kết cuối năm 2021, chúng tôi cũng nêu ra nguyên liệu ở đây cho cả 3 nhóm là tôm, cá tra và hải sản. Chúng tôi thấy rằng do tác động tiêu cực của COVID-19 ở quý III/2021 rất có thể sẽ ảnh hưởng kéo dài. Có những giai đoạn cục bộ chúng ta thiếu nguyên liệu và sẽ không đáp ứng được các đơn hàng.
Ngoài nguyên liệu, còn vấn đề chi phí, chi phí tăng không chỉ có logistic, vận chuyển hành hóa, mà chi phí sản xuất trong đó có chi phí chống dịch đối với doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ.
Theo VTV.vn
Bài đọc thêm:
- Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc phục hồi năm 2022
- Thị trường Mỹ sẽ là cứu cánh cho xuất khẩu tôm Việt Nam
- Tôm xuất khẩu năm 2022 còn nhiều thách thức phía trước