Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn được đánh giá là bước đi quan trọng góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững trong thời gian tới…
Những năm qua, mặc dù sản xuất nông nghiệp đã bước đầu chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) ở một số vùng gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, tuy nhiên phát triển các vùng nguyên liệu nông sản vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, việc phát triển các vùng nguyên liệu, gắn kết với các DN chế biến, XK nông sản, đặc biệt là hình thành được các vùng nguyên liệu quy mô lớn, liên vùng, hiện đại, ổn định lâu dài là rất cần thiết để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và XK giai đoạn 2021 – 2025” nhằm thí điểm cơ chế, cách làm trên địa bàn 5 vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung thuộc địa bàn 11 tỉnh, qua đó tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng ra cả nước.
Theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), nếu có những vùng nguyên liệu sản xuất quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn XK, các DN sẽ tự tin mở rộng thị trường để tham gia vào các chuỗi, hệ thống siêu thị lớn ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuỗi tại thị trường Trung Quốc.
“Hiện tại, các DN đều phải xây dựng các chi nhánh tại địa phương để thu mua nông sản. Trong Đề án này, DN rất mong được hỗ trợ tăng cường liên kết giữa các vùng nguyên liệu để thu mua được các nhóm nông sản chủ lực đang có đối tác NK. Theo đó, thay vì xây dựng những chi nhánh để tập kết thu mua trái cây, thông qua Đề án, Công ty sẽ kết nối với các vùng nguyên liệu trồng những sản phẩm XK chủ lực của các tỉnh như sầu riêng, xoài, nhãn, mít…”, bà Ngô Tường Vy nêu rõ.
Lãnh đạo Công ty Chánh Thu cũng cho rằng, vùng nguyên liệu được hình thành theo mô hình cánh đồng lớn của Đề án cần xây dựng những tiêu chuẩn chất lượng để có thể đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường “khó tính” như châu Âu, Hoa Kỳ… Bên cạnh đó, bà Vy đề xuất cần áp dụng công nghệ số trong sản xuất vùng nguyên liệu để có thể minh bạch trong vấn đề quản lý tiêu chuẩn chất lượng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong Đề án, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ địa phương một phần về hạ tầng vùng sản xuất; hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực và quản trị cho các hợp tác xã tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng định hướng các đơn vị chuyên môn xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sản phẩm nông sản đạt được các tiêu chuẩn phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như tạo nguồn hàng cho các DN đẩy mạnh XK.
Theo Hải Quan Online
Bài đọc thêm: