Sẽ còn nhiều nông sản của Việt Nam gặp nguy cơ mất đi nhãn hiệu

Sẽ còn nhiều nông sản của Việt Nam gặp nguy cơ mất đi nhãn hiệu

Thời gian qua, nhiều nông sản Việt Nam có giá trị lớn tiềm ẩn nguy cơ mất nhãn hiệu, thương hiệu do chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu…

Định hình lại công tác bảo hộ nhãn hiệu

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) vừa phối hợp với Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do USAID tài trợ tổ chức Hội thảo và Kết nối kinh doanh với chủ đề “Xây dựng và Bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam”.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, có nhiều thuận lợi để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới có chất lượng cao, đa dạng, đặc trưng theo từng vùng, miền.

Tuy nhiên, số lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cả trong nước và thị trường quốc tế còn hạn chế.

Thực tế, trong thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam có giá trị lớn đang tiềm ẩn nguy cơ mất nhãn hiệu, thương hiệu do chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển thương hiệu trên thị trường quốc tế đã đặt ra vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước trong việc bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản, đặc sản Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thương hiệu sản phẩm nông sản là một phạm trù cần được định nghĩa rõ ràng và tiếp cận từ khía cạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ của sản phẩm.

Khi sản phẩm nông sản đưa được đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế cần được chứng nhận, xác nhận và xây dựng cơ chế pháp lý theo từng nhóm loại hình sản phẩm, từng nhóm loại hình đăng ký.

“Cách tiếp cận phải đúng, phải trúng và phù hợp với phương thức tổ chức để việc thực hiện đạt hiệu quả. Do đó, trong thời gian vừa qua, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công thương xây dựng quy chế phối hợp để xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu đối với sản phẩm nông sản”, ông Nguyễn Quốc Toản chia sẻ.

Lãnh đạo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, cần phải định nghĩa, định dạng lại những khái niệm chuẩn, từ đó tuyên truyền phổ biến tới các hợp tác xã, bà con nông dân, Sở NN-PTNT các địa phương, các hiệp hội ngành hàng về vấn đề nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm nông sản. Đồng thời, các bước cần phải triển khai đối với việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cũng cần được chia sẻ rộng rãi.

Không để nông sản Việt Nam bỡ ngỡ trên sân chơi quốc tế

Đến thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đủ năng lực để tiếp cận thị trường quốc tế một cách sâu rộng với 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có nhiều Hiệp định lớn như RCEP, EVFTA, CPTPP…

Ông Nguyễn Quốc Toản nhận định, khi Việt Nam tham gia vào sân chơi lớn và sâu rộng như vậy, điều cần thiết là phải chuẩn bị một năng lực pháp lý bài bản nhằm giảm thiểu rủi ro xung đột về mặt thương mại.

Đây là sự chuẩn bị về mặt nhận thức quan trọng đối với cả cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để không bị “bỡ ngỡ” trên sân chơi quốc tế.

“Thực tế chúng ta cũng đã có những bài học kinh nghiệm và cả thất bại, thiệt hại khi nhận thức về sở hữu trí tuệ chưa đầy đủ. Do đó, cần phải chuẩn bị kiến thức, kỹ năng tiếp cận và nâng cao năng lực thực tiễn từ cơ sở để người nông dân đủ năng lực vươn lên thành các thương nhân”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Tại Hội thảo “Xây dựng và Bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam”, các đại biểu đã cùng chia sẻ về quy trình thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với nông sản Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế, những lưu ý trong việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu nông sản.

Nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng, bảo hộ và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp cũng như tư vấn kỹ thuật về các vấn đề và quy trình trong việc bảo hộ nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp trên thị trường quốc tế.

Theo Báo NNVN

 

Bài đọc thêm:

  1. Mega A Logistics mở tuyến hàng hải Việt Nam-Nga trong tháng 8
  2. Thành công dán tem truy xuất nguồn gốc nước mắm Phú Quốc
  3. Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá
  4. GACC công bố quy định nhập khẩu quả sầu riêng tươi từ Việt Nam
  5. Thái Lan triển khai kiểm dịch thực vật điện tử với trái cây xuất khẩu
  6. Đón tàu trên 8.000 TEU cập cảng Cái Mép-Thị Vải – tuyến PVCS

Popular Posts

Back To Top