Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử, các nhà xuất khẩu có thể tận dụng nền tảng này để tiếp cận thị trường Singapore.
Thị trường nhỏ – Cơ hội lớn
Singapore là một quốc gia trẻ, dân số ít, mật độ dân số rất cao, đa sắc tộc và đa văn hóa, mức thu nhập bình quân đầu người rất cao. Singapore được coi là trung tâm của thế giới về nhiều mặt như cảng biển, hàng không, lgistics, tài chính, y tế, giáo dục,… Với mức độ mở của nền kinh tế và mức độ thân thiện của doanh nghiệm rất cao, Singapore là miền đất tiềm năng mà các doanh nghiệp trên thế giới luôn hướng đến.
Mặc dù Singapore là một thị trường tương đối nhỏ nhưng là một thương cảng tự do lớn, gần như không có hạn chế nào về nhập khẩu. Hiện nay, hơn 99% hàng nhập khẩu vào Singapore đều được miễn thuế, trừ một số mặt hàng như ô tô, xăng dầu, rượu và thuốc lá. Singapore cũng là nơi tập trung nhiều công ty đa quốc gia, thương mại, logistics lớn của Đông Nam Á và toàn cầu.
Tuy nhiên, thị trường này đòi hỏi rất cao về chất lượng hàng hoá. “Dù khoảng cách địa lý giữa Singapore và Việt Nam không xa nhưng chưa nhiều mặt hàng của Việt Nam trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng có thể thâm nhập vào quốc đảo này.” – Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ – Phó giám đốc trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục xúc tiến thương mại Bộ Công Thương cho biết tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Singapore ngày 17/12 vừa qua.
Đồng tình với ý kiến này của bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, tuy nhiên, bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương vụ Việt Nam tại Singapore cho rằng, xu hướng phục hồi mạnh mẽ của kinh tế của Singapore là cơ hội của các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Sau thời gian bị ngừng trệ của dịch Covid-19, 9 tháng đầu năm tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này ở mức cao, tăng 31,5% so với 2020 và 14,6% so với năm 2019 – trước thời điểm dịch bùng phát. Năm 2020 là năm đầu tiên Việt Nam có thặng dư trong xuất khẩu hàng hoá với Singapore nếu tính riêng hàng hoá có xuất xứ từ Singapore – khoảng 1,1 tỉ SGD. Trong 2021, 9 tháng đầu năm, Việt Nam đang thặng dư 600 triệu SGD.
Bà Trần Thu Quỳnh cũng chỉ ra một điểm sáng khác trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore: đầu tư. Năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. “Điều này cho thấy các nhà đầu tư Singapore rất quan tâm đến thị trường 100 triệu dân của chúng ta cũng như các lợi thế bổ sung của hai nước.” – Bà Trần Thu Quỳnh nhận xét.
Cần thận trọng khi thâm nhập thị trường
Là một thị trường khó tính, các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường cần phải cẩn trọng và có kế hoạch rõ ràng.
Theo bà Trần Thu Quỳnh, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập thị trường Singapore qua các sàn thương mại điện tử. “Đây là kênh tiếp cận dễ nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam cũng như là một hình thức huấn luyện chuyển đổi số cho doanh nghiệp với chi phí thấp” – Bà Trần Thu Quỳnh nhận xét. Bà cho biết, thị trường thương mại điện tử của Singapore có độ mở lớn đối với hàng hoá nước ngoài, có xu hướng tiêu dùng xuyên biên giới mạnh mẽ. Vì vậy, các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam có thể thâm nhập thị trường hoặc thử thị trường, thị hiếu, gu của người tiêu dùng Singapore thông qua thương mại điện tử. Mặc dù vậy, đưa hàng vào hệ thống bán lẻ của Singapore không phải là điều dễ dàng khi chi phí ban đầu rất lớn. Phí niêm yết trên các sàn thương mại điện tử của nước này có thể lên đến 30 – 100 SGD đối với một mặt hàng.
Trong khi đó, theo ông Cao Xuân Thắng – Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Singapore, các nhà sản xuất cần phải lưu ý đến bao bì. “Tối thiểu phải có nhãn tiếng Anh hoặc nhãn phụ bằng tiếng Anh. Đối với các sản phẩm cung cấp cho nhóm khách hàng mục tiêu nên có thêm ngôn ngữ của sắc tộc (Tamil, Malai,…)” – Ông nhấn mạnh. Ông Cao Xuân Thắng cũng cho biết, trên bao bi nên ghi đầy đủ các tiêu chuẩn, chứng chỉ,…, đặc biệt là đối với các sản phẩm Halal. Ví dụ đối với bao bì sản phẩm thực phẩm, yêu cầu phải có đủ thông tin cơ bản của sản phẩm như nguồn gốc sản phẩm, trạng thái tự nhiên, thành phần, các chất gây dị ứng (nếu có), ngày sản xuất, hạn sử dụng,… Đối với các sản phẩm thực phẩm đóng gói sẵn, có tính chất sử dịnh đặc biệt, thực phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm chức năng còn yêu cầu phải có thêm thông tin trong nhãn mác.
Khi các doanh nghiệp gửi mẫu tham gia các hội chợ, triển lãm, gửi mẫu chào hàng, ông Cao Xuân Thắng cũng đưa ra một số lời khuyên như: nên gửi các sản phẩm mới sản xuất, hạn sử dụng còn dài, không nên gửi các sản phẩm có bao bì khuyến mãi trong nước,… Đối với các sản phẩm mẫu đựng trong các bao bì mẫu, không bao bao bì thương mại, cần lưu ý chất lượng đóng túi, tránh hở, gây ảnh hưởng đến sản phẩm. Thông tin nên in trên nhãn dán, phải ghi đầy đủ, rõ ràng, không nên viết tay trực tiếp lên bao bì,…
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Nhật Cường – Tuỳ viên, Thương vụ Việt Nam tại Singapore, để thâm nhập được vào thị trường Singapore, sản phẩm phải có giá cả cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải có khả năng đảm bảo nguồn cung. Ông cho rằng các doanh nghiệp nên kết nối theo chuỗi với các nhà cung ứng dịch vụ vận tải, kho bãi, nhà vận tải gom hàng… có sẵn thông tin và mạng lưới đề xuất hàng nhanh chóng; xây dựng trang web có thông tin sản phẩm bằng tiếng Anh và nâng cao năng lực trao đổi thông tin qua các ứng dụng công nghệ số. Mặt khác doanh nghiệp cũng nên lưu ý trong việc xác minh thông tin đối tác trước khi ký kết hợp đồng, cập nhật thông tin về thị trường và đối tác nhập khẩu.
Theo Báo Công Thương