Thái Lan đã triển khai kiểm dịch thực vật điện tử (e-Phyto) nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho việc xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc…
6 tháng đầu năm nay, Thái Lan đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn trái cây sang thị trường Trung Quốc, đạt 92 tỷ bạt, tương đương 2,53 tỷ USD, chủ yếu là sầu riêng.
Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan, ông Thanakorn Wangboonkongchana vừa chính thức công bố con số trên, đồng thời cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đặt mục tiêu tăng cường xuất khẩu trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đưa ra chính sách hỗ trợ xuất khẩu trái cây ở thị trường nước ngoài.
Ông Thanakorn cho biết thêm, hiện Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã triển khai chính sách chứng nhận kiểm dịch thực vật điện tử, hay còn gọi là e-Phyto, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc.
“Theo đó, tính từ tháng 1 đến tháng 6, kim ngạch xuất khẩu các loại hàng hóa của Thái Lan đã tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 149 tỷ USD (5,5 nghìn tỷ bạt), vượt mục tiêu ban đầu là 4-5% cho cả năm”, người phát ngôn chính phủ Thái Lan dẫn nguồn tin từ Bộ Thương mại.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản và liên quan đến nông nghiệp đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu tổng thể, đạt trị giá hơn 26,5 tỷ USD trong tháng 6.
Dẫn số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, ông Thanakorn cho biết từ ngày 1 tháng 2 đến ngày 21 tháng 7, đã có 64.903 chuyến hàng trái cây tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với tổng khối lượng 1,16 triệu tấn và trị giá hơn 92 tỷ bạt.
“Trong đó bao gồm việc xuất khẩu trên 670.000 tấn sầu riêng, đạt trị giá 72 tỷ bạt, tương đương 1,98 tỷ USD- điều này phản ánh niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc vào chất lượng và chất lượng trái cây Thái Lan”, theo ông Thanakorn.
Ngoài sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các loại trái cây khác được xuất khẩu sang Trung Quốc bao gồm dừa, măng cụt, nhãn, chôm chôm và bưởi.
Trong một diễn biến liên quan, ông Wisut Chainaroon, một nghị sĩ của đảng Pheu Thai ở khu vực bầu cử Phayao vừa lên tiếng kêu gọi chính phủ quan tâm hơn nữa đến số phận của những người trồng nhãn ở miền Bắc Thái Lan.
Ông Wisut cho biết, giá nhãn đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm, trái ngược với giá nông sản toàn cầu tăng mạnh. Hơn nữa, giá phân bón tăng cao ví như “xát muối vào vết thương” của người trồng nhãn.
Thái Lan là nước sản xuất nhãn lớn thứ hai thế giới với sản lượng hơn 1 triệu tấn/ năm, chỉ xếp sau Trung Quốc. Tuy nhiên, Thái Lan là nước xuất khẩu nhãn lớn nhất thế giới, chủ yếu ở dạng tươi, đông lạnh và sấy khô.
Theo ông Wisut với 1,7 triệu rai (1 rai tương đương 1.600 mét vuông) diện tích đất trồng nhãn trong nước, trong đó 1,3 triệu rai ở miền Bắc hàng năm vẫn tạo ra khoảng 30 tỷ bạt thông qua hoạt động xuất khẩu loại trái cây này. “Tuy nhiên, những lời kêu gọi hỗ trợ cho những người trồng nhãn dường như đã bị bỏ qua”, nghị sĩ đối lập Wisut Chainaroon than phiền.
Theo Báo NNVN
Bài đọc thêm:
- Zalo bắt đầu tính gói thuê bao người dùng Official Account từ 1/8
- Trung Quốc sẽ kiểm hàng trực tuyến nếu phát hiện có SARS-CoV-2
- Giá xăng dầu ngày 1/8: Giảm mạnh từ 500 đồng đến 950 đồng/lít
- Rút ngắn thời gian tàu hàng từ miền Trung đi Ấn Độ và Bangladesh
- Cần chấm dứt sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản
- Agenda hội nghị FIATA World Congress 2022 tại Busan, Hàn Quốc