Tháng 10, dịch Covid-19 dần được kiểm soát, giãn cách nới lỏng khiến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu từng bước được khôi phục…
- Trung Quốc tiếp tục giữ địa vị là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ
- Gặp khó khăn trong tháng 9, Việt Nam vẫn nhập siêu trong tháng 10/2021
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm của Tổng cục thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành khai khoáng giảm 7,2%; ngành chế biến, chế tạo giảm 1,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,5%.
Tính chung 10 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,1%), đóng góp 3,99 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Về tình hình xuất nhập khẩu, ước tính tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2021 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63%).
Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 3,03 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 238,81 tỷ USD, tăng 17,3%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 19,2 tỷ USD, tăng 15,1%. Nhóm hàng thủy sản đạt 6,89 tỷ USD, giảm 0,8%.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 44,2 tỷ USD, tăng 16,8%. Thị trường EU đạt 31,7 tỷ USD, tăng 8,9%. Thị trường ASEAN đạt 23 tỷ USD, tăng 21,3%. Hàn Quốc đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,2%. Nhật Bản đạt 16,1 tỷ USD, tăng 2,2%.
Đọc thêm: Hiệp định FTAs: Cơ hội tái cơ cấu chuỗi cung ứng và phòng tránh rủi ro
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính tháng 10/2021 đạt 26,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2021 có 39 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 252,21 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 128,08 tỷ USD, tăng 35,2% và chiếm 47,5%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 17,17 tỷ USD, tăng 22,5% và chiếm 6,4%.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 89,4 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 45,5 tỷ USD, tăng 21,4%. Thị trường ASEAN đạt 33 tỷ USD, tăng 34,8%. Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 9%. Thị trường EU đạt 13,8 tỷ USD, tăng 15,9%. Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 13,5%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 10 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,45 tỷ USD[6] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,63 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,73 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,28 tỷ USD.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: