Hiện nay, tỉnh Sơn La đang rất quan tâm tới việc thúc đẩy phát triển logistics làm đòn bẩy cho hoạt thương mại, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản
Sản phẩm nông sản, thực phẩm của tỉnh Sơn La đang từng bước được sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường, sản xuất nông nghiệp đã bước đầu gắn với công nghiệp chế biến để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thuỷ sản an toàn; có 24 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 2 sản phẩm được bảo hộ tại châu Âu và Thái Lan.
Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hoá, nhất là sản phẩm nông sản tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh; sản phẩm nông sản đã được đưa lên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản, đã xuất khẩu và giới thiệu 17 sản phẩm nông sản vào thị trường 21
Cần tháo gỡ nút thắt về logistics
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, trong thời gian qua, Sơn La – một địa phương ở Tây Bắc nhưng đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển nền nông nghiệp.
Tuy nhiên, một trong những điểm khó hiện nay của Sơn La đó là về khâu logistics giúp đưa được sản phẩm nông sản ra ngoài nhanh hơn, tốt hơn. “Sơn La là tỉnh miền núi, khó khăn về giao thông nên cần làm tốt logistics để vượt qua các hạn chế của điều kiện tự nhiên” – ông Trần Thanh Hải nói.
Logistics thực chất là toàn bộ các hoạt động tác động đến hàng hóa trong quá trình từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng như: Vận chuyển, sơ chế, thủ tục hải quan xuất khẩu… “Các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cũng như của doanh nghiệp cần nhận thức đúng, rõ vai trò của logistics để quan tâm đầu tư nhiều hơn; đồng thời, triển khai quyết liệt, với sự đồng hành của Bộ, hiệp hội, doanh nghiệp” – ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Sơn La, hiện nay, một trong những ngành dịch vụ quan trọng tỉnh đang thiếu và yếu, cần thúc đẩy phát triển là ngành logistics. Nhìn chung, các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn.
Hiện chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như: Hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ…), đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật…hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.
“Từ những thực trạng nêu trên, hiện nay tỉnh Sơn La đang rất quan tâm tới việc thúc đẩy phát triển logistics làm đòn bẩy cho hoạt thương mại, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh” – đại diện Sở Công Thương tỉnh Sơn La bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Đức Nghĩa – Giám đốc Công ty Quốc tế Delta cho biết, Sơn La được biết đến là tỉnh có sản lượng cây trái lớn nhất miền Bắc. Tuy nhiên, hiện khâu chế biến sau thu hoạch chưa tốt nên tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch còn cao cũng như các dịch vụ về logistics chưa phát triển.
Do đó, thông qua hội nghị hôm nay chúng tôi mong muốn tìm kiếm đối tác địa phương để phát triển dịch vụ này ở thị trường Sơn La. “Delta có kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn lực để đáp ứng nhu cầu về logistics trong tiêu thụ nông sản của tỉnh Sơn La do chúng tôi đang làm logistiscs cho hàng hoa quả tươi Thái Lan…” – ông Trần Đức Nghĩa chia sẻ.
Bài đọc thêm: