Thị trường EU được Bộ NN-PTNT xác định là phép thử quan trọng để xây dựng thương hiệu nông, lâm, thủy sản Việt Nam…
Khoảng 5 năm trở lại đây, cơ cấu các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU có sự đa dạng hóa theo hướng tích cực. EU là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm khoảng 5,5% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang EU năm 2021 đạt 193,7 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Thế nhưng theo ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), thủy sản và rau quả vẫn chiếm tỷ trọng thấp tại thị trường EU, cụ thể rau quả chỉ chiếm 0,2% thị phần và thủy sản chiếm 2,1% thị trường. Hơn nữa, còn chịu sự cạnh tranh của thị trường Trung Quốc, Thái Lan.
Nguyên nhân được ông Kiên chỉ ra vẫn đến từ việc Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, dư địa tăng trưởng thấp. Muốn khai thác tốt hơn “miếng bánh” thị phần, ông Kiên cho rằng không phải bằng lượng mà cần tăng giá trị cho sản phẩm. Bởi hiện nay, phần lớn các sản phẩm của Việt Nam chưa tiếp cận được các kênh khách hàng cuối cùng của EU, chủ yếu phân phối qua kênh trung gian hoặc hệ thống bán lẻ.
Thêm một thực tế đối với hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU là vẫn tồn tại tình trạng nông sản, thủy sản bị thu hồi hoặc cảnh báo về tồn dư hóa chất nông nghiệp vượt quá mức quy định. Hệ thống cảnh báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF) phát đi nhiều cảnh báo đối với các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Riêng trong năm 2021, RASFF đã phát đi 40 cảnh báo đối với các lô hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU, trong đó có các lô hàng về rau quả như chôm chôm, bưởi, sữa dừa, nấm rơm, thủy sản có bạch tuộc, sò, tôm đông lạnh, cá đông lạnh…
Hơn thế nữa, vấn đề tổn thất sau thu hoạch là một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái cây khó cạnh tranh tại thị trường EU. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ NN-PTNT, tổn thất sau thu hoạch của nông sản Việt Nam chiếm con số không nhỏ từ 20 – 25%, tương đương khoảng 8,8 triệu tấn, khoảng 3,9 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao là rau củ quả và thủy sản.
Công nghệ bảo quản được xem là mấu chốt, có tính “sống còn” mà nhiều doanh nghiệp Việt cần chú trọng nếu muốn đưa hàng rau của quả, trái cây sang thị trường EU. Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu rau quả tươi vào các thị trường lớn như Mỹ, Úc, Canada và EU cho hay, thị trường EU là thị trường mà doanh nghiệp này khó thâm nhập nhất.
“Xuất hàng qua EU, rồi doanh nghiệp bên đó họ tiếp tục bán cho người tiêu dùng ít nhất 2 tuần. Người tiêu dùng mua về nhà sử dụng ít nhất phải 3 ngày. Như vậy, hàng hóa Việt Nam xuất qua EU phải đảm bảo chịu được 30 ngày, còn hiện tại sản phẩm của chúng ta chỉ để được 2 – 3 ngày, nhà nhập khẩu họ không chịu. Sống còn để phát triển là công nghệ bảo quản”.
Ông Tùng băn khoăn: “Tại sao Việt Nam là cái nôi của trái vải mà lại không xuất khẩu được. Vải Trung Quốc bây giờ tràn đầy ở các nước Mỹ, EU, các nước Đông Nam Á. Trung Quốc lại qua Việt Nam mua vải về”. Ông Tùng đặt câu hỏi về công nghệ bảo quản trái vải của Trung Quốc như thế nào để đưa hàng đi xa như vậy, “không tưởng được vải Trung Quốc qua Mỹ còn rất tươi, đẹp, đỏ”.
Chính công nghệ bảo quản chưa đảm bảo yêu cầu, dẫn đến nhiều doanh nghiệp lựa chọn con đường xuất khẩu bằng đường hàng không để rút ngắn thời gian vận chuyển. Điều này làm đội giá sản phẩm lên cao, khiến trái cây Việt Nam khó cạnh tranh.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ Hợp tác quốc tế đưa ra dẫn chứng, 1kg xoài Việt Nam sang đến EU giá đội lên khoảng 6 euro hay 1kg chanh leo bán sang thị trường này cũng khoảng 12 euro nếu xuất khẩu bằng bằng đường hàng không, chi phí đội lên rất lớn, vì vậy trái cây Việt Nam rất khó cạnh tranh.
Theo Báo NNVN
Bài đọc thêm: