Thị trường yếu, nguyên liệu thiếu – chế biến gỗ Việt gặp khó khăn

Thị trường nhập khẩu giảm và thay đổi yêu cầu về mặt hàng, nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng, nguyên liệu trong nước trở nên khan hiếm…

Qua khảo sát nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng Tổ chức Forest Trends, thực trạng của hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước đang rất ảm đạm. Tất cả các thị trường nhập khẩu đồ gỗ truyền thống của ngành gỗ Việt Nam thời gian qua đều suy giảm nghiêm trọng. Trong đó, doanh thu tại thị trường Mỹ giảm đến 39,6%, thị trường EU giảm đến 41%, thị trường Anh giảm 43%…

Theo đó, đơn hàng mà các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu nhận được của các thị trường lớn cũng giảm mạnh. Đơn hàng của thị trường Mỹ giảm 45,4%, thị trường EU giảm 44,6%, thị trường Anh giảm 47,3%, các thị trường khác như Singapore, Úc, Newzealand… giảm trên 36%. Dự báo đến cuối năm 2022, sẽ có 71% số doanh nghiệp chế biến gỗ bị giảm đơn hàng tại các thị trường lớn.

Theo ông Lê Minh Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, lượng đơn hàng của khách hàng nước ngoài thông thường triển khai vào tháng 3 hàng năm, nhưng đến nay vẫn chưa nhiều, hoặc chưa có đơn hàng. Một số doanh nghiệp hiện đã có đơn hàng đến cuối năm 2022, nhưng mùa hàng mới năm 2023 thì chưa có đơn hàng.

Các doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất đến cuối năm 2022 cũng chẳng được yên tâm, bởi tình trạng khách hàng chậm xác nhận booking, kéo dài thời gian giao hàng, chậm thanh toán do tồn kho hàng tại các thị trường rất lớn, nguyên nhân do mặt hàng gỗ tiêu thụ chậm so với năm trước, bởi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

“Để đối phó với tình trạng khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp hiện nay cho công nhân nghỉ ngày thứ 7, không cho công nhân làm tăng ca, mỗi tuần chỉ làm 5 ngày, mỗi ngày làm 8 tiếng. Trong thời gian này, hầu hết các doanh nghiệp đều sắp xếp tinh gọn bộ máy để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm để kích cầu, tập trung vào các dòng sản phẩm có giá trị cao hoặc có tính đặc thù để giảm năng lực cạnh tranh và ít bị biến động vì diễn biến của xu thế thế giới”, ông Lê Minh Thiện cho hay.

Cạnh tranh nguyên liệu gay gắt

Cùng với khó khăn về thị trường tiêu thụ, các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu hiện nay còn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn gỗ nguyên liệu. Gỗ nguyên liệu nhập khẩu ngày càng khan hiếm bởi ảnh hưởng dịch Covid-19, ảnh hưởng giá nhiên liệu liên tục tăng cao khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Trong bối cảnh đó, hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ đều “nương tựa” vào nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước. Trong khi đó, nguồn gỗ rừng trồng hiện đang bị các doanh nghiệp chế biến dăm và viên nén tranh mua với giá cao, khiến người trồng rừng khai thác cả rừng non để bán.

Nếu như năm 2021, gỗ keo lai trong nước chỉ có giá 1,1 triệu đồng/tấn thì bước sang năm 2022, giá gỗ rừng trồng có lúc đạt đỉnh 1,8 triệu đồng/tấn, hiện đang dao động bình quân 1,7 triệu đồng/tấn. Chỉ trong vòng 1 năm, gỗ nguyên liệu trong nước đã tăng đến gần 60%.

Trên địa bàn Bình Định hiện có 15 nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu với tổng công suất đạt trên 1 triệu tấn/năm. Ngoài những nhà máy chế biến dăm gỗ, hiện ở Bình Định còn có hàng chục nhà máy chế biến viên nén, nguyên liệu đầu vào của các mặt hàng nói trên hầu hết là gỗ rừng trồng. Trên địa bàn Bình Định hiện nay có 128.510ha rừng trồng sản xuất, mỗi năm khai thác và trồng lại khoảng 8.500ha, sản lượng đạt từ 1 – 1,2 triệu tấn gỗ nguyên liệu. Trong bối cảnh dăm gỗ và viên nén đang xuất khẩu mạnh, các nhà máy chế biến phải tranh nhau mua gỗ nguyên liệu để đảm bảo sản xuất.

Chạy theo giá, những hộ trồng rừng đang đổ xô khai thác rừng non để bán. Độ tuổi khai thác gỗ rừng trồng bị đẩy xuống dưới 3 năm, đường kính gỗ khai thác dưới 10cm, dẫn đến chất lượng gỗ giảm đến mức tồi tệ, do có độ ẩm cao, thiếu hàm lượng xenlulo, cây gỗ cong queo, nhiều mắt, tỷ trọng gỗ sau sấy rất thấp, chỉ dưới 400kg/m3. Nhiều diện tích rừng trồng đang trong độ tuổi tăng trưởng nhanh đã bị khai thác sớm, làm ảnh hưởng đến môi trường, độ màu mỡ đất.

Theo ông Lê Minh Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ, viên nén đổ xô cạnh tranh mua gỗ nguyên liệu đã đẩy giá gỗ lên cao bất hợp lý, khiến cho ngành chế biến gỗ, ván ghép thanh, gỗ dán… bị thiếu hụt nghiêm trọng nguồn gỗ nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước.

Các nhà máy sản xuất giấy của Trung Quốc được đầu tư công suất lớn, sản lượng đạt hàng triệu tấn bột giấy và giấy mỗi năm nằm gần biên giới Việt Nam, đây là áp lực lớn cho ngành chế biến gỗ nước ta, bởi các nhà máy sản xuất giấy của Trung Quốc “hút” hết nguồn gỗ nguyên liệu của Việt Nam.

Theo Báo NNVN

Bài đọc thêm:

  1. Đến lượt Đài Loan cấm nhập khẩu hạt sen, thớt, nấm Trung Quốc
  2. Campuchia cho biết sẽ kiểm tra mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam
  3. Mega A Logistics mở tuyến hàng hải Việt Nam-Nga trong tháng 8
  4. Cơ chế tự xác nhận để gỗ dán Việt Nam được loại trừ áp thuế Mỹ
  5. Trung Quốc nhận hàng chậm, chủ hàng Việt giảm giá tinh bột sắn
  6. Chỉ 2% rác thải chôn lấp ở Việt Nam được xử lý đúng quy cách

Popular Posts

Back To Top