Bộ NNPTNT phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo Thúc đẩy đổi mới trong nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là một hoạt động quan trọng của Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam (GIC Việt Nam), một dự án hỗ trợ các đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài.
Tháng 3/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT) đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025. Đề án sẽ được triển khai trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh, trong đó có năm tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu chung của đề án là hình thành năm vùng trọng điểm sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại.
Tuy nhiên, thâm canh sản xuất nông nghiệp cùng với các tác động của biến đổi khí hậu khiến nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL đối mặt với nhiều thách thức. Trong nỗ lực cải tiến nông nghiệp tại khu vực này, dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam được Bộ NN & PTNT phối hợp với GIZ hợp tác thực hiện với sự tài trợ của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức.
Các đổi mới sáng tạo do dự án cùng các đối tác nhà nước và tư nhân thúc đẩy cần chứng minh được tiềm năng kinh tế và sự tuân thủ đối với các yêu cầu của thị trường. Điều này sẽ góp phần vào thành công của các đổi mới sáng tạo khi được áp dụng trên quy mô lớn hơn.
Cùng Bộ NN & PTNT, các Sở NN & PTNT tại sáu tỉnh mục tiêu, dự án GIC Việt Nam đã xác định được những đổi mới chính cho chuỗi giá trị lúa gạo và xoài, bao gồm các giải pháp kỹ thuật và tổ chức trong sản xuất, chế biến và tiếp thị. Dự án đặt trọng điểm vào những đổi mới sáng tạo phù hợp với nhu cầu thị trường, trong đó có thể kể tới việc thúc đẩy các giống lúa có nhu cầu cao, các tiêu chuẩn nông nghiệp cải tiến, tuân thủ an toàn thực phẩm và chứng nhận chất lượng, cung cấp dịch vụ cho các nông hộ nhỏ theo định hướng kinh doanh. Thêm vào đó, dự án cũng triển khai các sáng kiến nhằm giảm thiểu tác động môi trường trong nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính và tái chế rơm rạ và trấu. Với chuỗi giá trị xoài, các đổi mới sáng tạo bao gồm cải thiện quản lý vườn cây ăn quả và sức khỏe cây trồng, giảm thất thoát sau thu hoạch được thực hiện thông qua mô hình trung tâm xúc tiến phát triển xoài.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao sự đồng hành trong những năm qua của Chính phủ CHLB Đức, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ đã liên tục triển khai nhiều dự án nông nghiệp, môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL, đặc biệt dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh có mục tiêu và nội dung hoàn toàn phù hợp với ưu tiên của Chính phủ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các hoạt động thử ngiệm đổi mới trong ngành lúa gạo và xoài đã bước đầu đóng góp trực tiếp vào việc thực hiện các chủ trương và chính sách phát triển của ngành nông nghiệp tại vùng Đồng bằng song Cửu Long,” ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT phát biểu.
Việc áp dụng thành công các đổi mới sáng tạo cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị. Cần có các giải pháp đổi mới, cạnh tranh, đồng thời xây dựng năng lực áp dụng các đổi mới này, sau đó thúc đẩy triển khai mở rộng các đổi mới sáng tạo thông qua các cơ chế dựa trên thị trường với sự hỗ trợ có tính hệ thống từ chính phủ.
Ông Oemar Idoe, Phó Giám đốc Quốc gia GIZ tại Việt Nam cho biết: “Tại hội thảo này, dự án GIC cùng các đối tác mong muốn được tiếp cận với các doanh nghiệp, các bên liên quan trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, và công chúng nói chung nhằm giới thiệu cách tiếp cận về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, đồng thời xác định các cơ hội hợp tác cụ thể và trao đổi về các ưu tiên và mục tiêu cho tương lai. Trong những thời điểm đầy thách thức như hiện nay, đối thoại, phối hợp và hợp tác là cấp thiết, đặc biệt là khi sự thịnh vượng và an ninh lương thực đang gặp nhiều thách thức trên quy mô toàn cầu”.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Bài đọc thêm