Thực thi Lệnh 248, 249: Doanh nghiệp cần phải giám sát hệ thống

Theo SPS Việt Nam, nếu không có quy trình giám sát hoàn thiện, doanh nghiệp có thể mất mã số xuất khẩu sang Trung Quốc bất kỳ lúc nào…

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Sáng 26/7, Hội nghị “Xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt thích ứng trong bối cảnh kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống Sar-CoV2, thực thi Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc” được Báo Nông nghiệp Việt Nam, Văn phòng SPS Việt Nam và Sở NN-PTNT Đăk Lăk phối hợp tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào 16 Hiệp định tự do thương mại và sắp tới sẽ tham gia thêm nhiều hiệp định nữa. Theo TS Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, mặc dù có nhiều lợi thế về thuế nhưng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gặp phải rào cản lớn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) như dư lượng hóa chất hay kiểm dịch động thực vật.

Đối với Trung Quốc, tất cả các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm thực phẩm vào thị trường này đều phải đăng ký với Tổng cục Hải quan nước này để nhận mã số, sau đó mới được phép xuất khẩu.

Để đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật của mình, phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh 248 và Lệnh 249 về “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu” và “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” vào thị trường Trung Quốc.

TS Lê Thanh Hòa cho biết, tại hội nghị hôm nay, các cơ quan chức năng như Văn phòng SPS, Cục BVTV, BQL khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải… sẽ giải đáp, làm rõ những quy định và vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình thực hiện 2 lệnh 248, 249 nói trên.

“Có thể nói, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc hiện nay cần có một hệ thống rất hoàn thiện, cả trong hồ sơ, quy trình sản xuất và giám sát các mối nguy”, lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định.

Theo ông Lê Thanh Hòa, nếu không giám sát được các mối nguy đó thì doanh nghiệp luôn có nguy cơ mất mã số, không được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nữa khi bị Tổng cục Hải quan nước này kiểm tra đột xuất.

Đại diện đơn vị có tham gia trong quá trình làm hồ sơ, cấp mã số cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc, Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu 18 nhóm mặt hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc hiện nay phải được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số.

Theo đó, mỗi mã số doanh nghiệp phải khai báo đầy đủ tất các các thông tin liên quan đối với từng nhóm doanh nghiệp, nhóm sản phẩm và loại hình sản xuất.

“Thời gian qua, Cục BVTV đã phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc để hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký mã số xuất khẩu. Tính đến đầu năm 2022, đã có khoảng 270 doanh nghiệp Việt Nam được đăng ký mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”, ông Huỳnh Tấn Đạt chia sẻ thêm.

Riêng từ 1/1/2022 đến nay, do yêu cầu khai báo cụ thể cho từng mặt hàng, từng mã số doanh nghiệp của phía Trung Quốc, chúng ta đã đăng ký thành công mã số cho 30 doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn do doanh nghiệp chưa nắm rõ các quy định của phía Trung Quốc. Do đó, ông Huỳnh Tấn Đạt nhắc lại, hội nghị hôm nay là cơ hội để các doanh nghiệp, địa phương tiếp cận sâu hơn với các quy định của lệnh 248, 249.

“Cục BVTV cùng các cơ quan chức năng cũng sẽ đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn cho các doanh nghiệp và địa phương nắm được các quy định, trình tự để tiến tới đăng ký thành công mã số cho nhiều doanh nghiệp để có thể xuất khẩu các mặt hàng của mình sang thị trường Trung Quốc”, Phó Cục trưởng Cục BVTV chia sẻ thêm.

Lưu ý với sầu riêng, chanh leo

Tại hội nghị, các các cơ quan chuyên môn đã trình bày hướng dẫn về canh tác an toàn cũng như quy trình thu hái, bảo quản và vận chuyển đối với 2 loại quả mới được phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu từ Việt Nam là sầu riêng và chanh leo.

Theo đó, TS Trần Thị Mỹ Hạnh của Viện Cây ăn quả miền Nam đã giới thiệu về vai trò và phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp trong sản xuất sầu riêng và chanh leo.

Thông qua nhiều hình thức, từ giống, quy trình canh tác hay các biện pháp hóa học, sinh học, vật lý… mục tiêu là duy trì mật độ của dịch hại dưới ngưỡng gây hại kinh tế.

TS Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết, quá trình này bắt đầu từ việc nhận diện các loại sâu hại, bệnh hại trên cây từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa như giống kháng bệnh hoặc làm hệ thống ngăn sâu hại… Tiếp theo là quá trình giám sát sâu bệnh hại để có biện pháp cơ giới, vật lý, sinh học hay hóa học phù hợp.

Khi đã có sản phẩm, các lưu ý trong quá trình thu hái, sơ chế và bảo quản sầu riêng, chanh leo được TS Lê Đức Thông, Viện Cơ điện và công nghệ sau thu hoạch chia sẻ tại hội nghị.

Với sầu riêng xuất khẩu, có thể thu hoạch khi đạt độ chín 3 sau đó xử lý nấm bệnh và xử lý chậm bằng khí 1-MCP. Tiếp theo, quả được bảo quản ở nhiệt độ khoảng 15 độ C, có thể duy trì trong 20-22 ngày.

“Sầu riêng khi chín đồng đều, tỷ lệ hao hụt khối lượng, tỷ lệ nứt vỏ quả giảm, tỷ lệ thối hỏng bằng 0% và chất lượng dinh dưỡng, chất lượng cảm quan sau chín tốt”, ông Lê Đức Thông cho biết thêm.

Với chanh leo, chỉ thu hoạch khi ít nhất 50% vỏ đã chuyển màu (tím hoặc vàng). Sau đó quả được làm sạch, hong ráo, bao gói bằng plastic và bảo quản lạnh ở 5 độ C (chanh tím) và 7 độ C (chanh vàng). Khi đáp ứng được các yêu cầu trong những quy trình trên, quả chanh leo có thể được bảo quản từ 30-35 ngày.

Theo Báo NNVN

 

Bài đọc thêm:

  1. TQ ra thông báo mới về test covid-19 ở chuỗi thực phẩm lạnh NK
  2. Từ cuối 2019, Quảng Ninh chưa được cấp thêm mã số vùng trồng
  3. Làm sao để rau quả Việt xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc?
  4. Sầu riêng, cơ hội, thách thức – Một HTX nông nghiệp số đầu tiên
  5. Trung Quốc thôi đình chỉ doanh nghiệp có hàng dương tính Covid

Popular Posts

Back To Top